Ngày 28 tết, tranh thủ lúc nghỉ giải lao tại một trang trại trồng chè ở Nam Đầu (Đài Loan), anh Phan Văn Dũng, quê ở Nghệ An kể: Anh qua Đài Loan theo diện xuất khẩu lao động, làm được hai năm thì bỏ trốn. Sau chín năm trong thân phận lao động bất hợp pháp, chán cảnh sống trong lo âu sợ hãi, anh ra đầu thú về nước từ ngày 19/5/2020 nhưng tới bây giờ vẫn chưa về được.
Anh Dũng chia sẻ: "Những năm lưu lạc bên ngoài tôi đi làm theo công trình xây dựng, hết công trình thì lại đi làm nông, trồng bắp cải, hái chè trên núi cao ở Lý Sơn. Gia đình mong tôi về nước sớm để lấy vợ, năm nay tôi cũng đã 34 tuổi rồi, bố mẹ ở quê cũng lớn tuổi, mọi người rất lo lắng cho tôi".
Theo anh Dũng, những năm ở Đài Loan, cứ tết đến lại qua nhà anh em bạn bè tụ tập cùng nhau đón năm mới cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ quê. Tuy làm nông không thiếu việc làm nhưng dịch Covid cũng ảnh hưởng nhiều. Đối với anh, việc kiếm tiền lúc này không quan trọng vì tâm trạng luôn mong chờ có chuyến bay thương mại để được về nước càng sớm càng tốt.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Dũng cho biết thêm, 11 năm đối với anh vậy là quá đủ, anh đã xây được nhà, có ít vốn về có thể tự làm ăn sinh sống. Ngoài ra, anh còn học hỏi được cách làm nông nghiệp của người Đài Loan, muốn đem về quê hương áp dụng. Điều anh lo ngại là thời tiết ở quê mưa bão quanh năm, sợ bỏ vốn ra làm tới lúc thu hoạch lại bị thiên tai phá hoại.
Làm việc cùng anh Dũng là chị Hoàng Thị Thanh Vân, sinh năm 1990, quê ở Phú Thọ, sang Đài Loan đã 8 năm, trong đó có tới 5 năm sống phi pháp. Chị Vân cho biết, vì muốn về nhà đón cái Tết 2021, chị đã ra đầu thú cách đây một tháng. Nhưng do dịch bệnh, đến nay chị vẫn chưa có vé máy bay để về. Những năm tháng lưu lạc, cứ ai gọi gì làm nấy, chủ yếu là làm nông. Ở quê, mẹ chị luôn giục về, nhưng lúc trước chị muốn ở lại để kiếm thêm ít vốn. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, chị cũng không muốn ở lại nữa vì có cố làm thì thu nhập cũng không bằng trước.
Nói về khó khăn hiện tại, anh Nguyễn Văn Khương, quê Phú Thọ cho biết, lao động hợp pháp còn bị ảnh hưởng, công việc ít, thu nhập giảm sút, những người bất hợp pháp như anh còn thê thảm hơn.
Anh Khương chia sẻ, bây giờ cũng chỉ biết cố gắng chịu khó tự bươn chải kiếm tiền, vì biết rõ lao động bất hợp pháp thì không được đòi hỏi gì từ trợ cấp của chính quyền, đến chuyến bay hồi hương cũng không dám đăng ký. "Tôi nghĩ có đăng ký cũng không đến lượt mình, nên cứ chờ và cầu mong phép màu nào đó mở lại những chuyến bay thương mại như ngày xưa", anh Khương buồn buồn nói.
Khác với các lao động bất hợp pháp, anh Nguyễn Nam Hải qua Đài Loan du lịch, thăm bà con và dự định ở nửa năm sẽ về. Covid-19 bùng phát, anh bị mắc kẹt lại từ năm ngoái đến nay chưa về được. Để có tiền trang trải, thường ngày anh phải đi làm thuê cho nông trại vì không thể xin làm công xưởng do không có giấy phép.
Bà Đinh Thị Nhường, cán bộ có thâm biên 15 năm tại Văn phòng lao động huyện Nam Đầu cho biết, hiện tại chính quyền Đài Loan chưa có biện pháp gì để hỗ trợ những lao động bất hợp pháp. Còn những lao động hợp pháp đã mãn hạn hợp đồng 3 năm hoặc 12 năm, những lao động hết hạn không muốn làm ở chủ cũ, Văn phòng lao động trung ương đã đưa ra quy định hỗ trợ cho lao động chuyển chủ hoặc tiếp tục làm tại chủ cũ tới khi nào có vé thì được về nước. Đó là biện pháp trước mắt tốt nhất để lao động được làm việc hợp pháp kiếm tiền sinh hoạt trang trải cuộc sống trong thời gian mắc kẹt tại Đài Loan.
"Cũng có nhiều trường hợp biết lợi thế này, trong thời gian dịch cố tình đòi chuyển chủ hoặc đòi chấm dứt hợp đồng chờ về nước. Trong thời gian chờ, các bạn ra ngoài làm được nhiều tiền hơn", bà Nhường phản ánh.
Cũng theo bà Nhường, quá trình làm việc bà tiếp xúc rất nhiều trường hợp, như đang có thai, đau ốm, gia đình có nhiều sự việc cấp bách… tha thiết mong được về quê nhà gấp nhưng cũng đành chịu, không có cách gì giúp họ.
Bà Nhường mong có thêm những chuyến bay thương mại để những anh chị em lao động nhanh chóng được về đoàn tụ, sum họp với gia đình.
"Làm dưới đồng bằng còn đỡ, chứ lên núi cao hái chè vất vả khổ sở lắm, sáng sớm tinh mơ trời còn sương mù lạnh lẽo, ăn vội gói mỳ lót dạ, rồi mắt nhắm mắt mở lên xe của chủ đón, chạy vòng quanh trên đường sườn núi dốc, nguy hiểm. Hái chè tính theo sản phẩm, tay phải lấy băng dính quấn lưỡi dao vào, phải hái nhanh tay, mỗi chiều về ngồi tháo gỡ ra tay sưng vù lên. Vất vả là vậy, nhiều người không biết tiếng còn phải qua môi giới mất không ít tiền mới có được một công việc. Nhưng làm nông đâu phải quanh năm mà làm theo vụ, hết vụ rồi lại phải đi tìm công việc khác, cứ thay đổi chủ và chỗ làm, lại mất thêm phí", anh Nguyễn Văn Khương nói.