Hành khách vẫn coi vận tải hàng không là phương tiện giao thông an toàn và thuận tiện để phục vụ nhu cầu đi lại của mình trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid, lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng đầu năm giảm mạnh so kế hoạch cũng như cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, tháng 1/2021, các hãng hàng không trong nước bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Vasco, Bamboo Airways và Vietravel Airlines khai thác tổng cộng 19.295 chuyến, giảm hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Vietnam Airlines thực hiện 7.016 chuyến bay, giảm 45,5%; Vietjet Air khai thác 5.313 chuyến, giảm 53%; Pacific Airlines khai thác 1.473 chuyến, giảm 55%; Vasco thực hiện 547 chuyến, giảm 46%, Bamboo Airways giảm gần 2% còn 3.878 chuyến.
Tuy nhiên, bất ngờ với tân binh Vietravel Airlines khi khai thác 68 chuyến bay thương mại trong tháng 1. Đáng chú ý, Vietravel Airlines chỉ mới được Cục Hàng không cấp Giấy chứng nhận Người khai thác tàu bay (AOC) vào ngày 24/12/2020 và thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, từ TP. HCM đến Hà Nội vào ngày 7/1/2020.
Hiện tại, quy mô hoạt động của Vietravel Airlines còn tương đối nhỏ với đội bay chỉ gồm ba chiếc Airbus A321-200 và hoạt động theo mô hình hàng không lữ hành, tức là phục vụ các tour du lịch do công ty mẹ Vietravel tổ chức thay vì bán vé chuyến bay định kỳ như 5 hãng hàng không còn lại.
Bên cạnh đó, Vietravel Airlines cũng là hãng có tỷ lệ cất cánh đúng giờ cao nhất tháng 1/2021 với OTP đạt 97,1%, theo sau là Bamboo Airways với 96,3%, Vietnam Airlines 96%, Pacific Airlines 95,5%, Vietjet Air 94,5% và Vasco 92,3%. Nguyên nhân cất cánh chậm chủ yếu là tàu bay về muộn với tổng cộng 510 chuyến, tương đương 57,6% số chuyến chậm toàn ngành.
Vietravel Airlines là hãng hàng không lữ hành đầu tiên của Việt Nam thuộc Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam, do ông Nguyễn Quốc Kỳ là người đại diện.
Hãng bay đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, đủ điều kiện thực hiện dự án khai thác vận tải hàng không trong 50 năm, trên 30 máy bay, bao gồm các đối tượng vận chuyển như hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện...
Dự án Vietravel Airlines được khởi động từ đầu năm 2018, tuy nhiên trải qua quá trình xét duyệt của các cấp có thẩm quyền, đến tháng 4/2020 Vietravel Airlines mới được Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư dự án. Đến cuối 10/2020 hãng bay tư nhân này được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Mới đây, về định hướng phân khúc của hãng cũng như kế hoạch bay trước mắt, CEO Vietravel Airlines, ông Vũ Đức Biên cho biết, Vietravel Airlines phấn đấu hoà vốn sau 2 năm. Hãng định hướng là hãng hàng không hybrid, mô hình lai giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ.
Theo đó, giá vé của Vietravel Airlines sẽ nằm giữa giá vé của Bamboo Airways và Vietjet Air. Hãng cũng sẽ có những sản phẩm, dịch vụ gia tăng đẳng cấp hơn hàng không giá rẻ.
"Thời gian đầu, Vietravel Airlines sẽ khai thác lượng khách tour từ Vietravel và khai thác thường lệ tại thị trường nội địa. Khi dịch bệnh được kiểm soát, hãng sẽ triển khai đường bay tới các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á", ông Biên cho hay.
CEO Vietravel Airlines nhấn mạnh, Vietravel mong muốn hàng không sẽ là lõi tiếp theo, mở lối kinh doanh mới của doanh nghiệp trong hàng chục năm tới. Ông Biên dự kiến doanh thu từ Vietravel Airlines trong tương lai gần chiếm khoảng 35% tổng doanh thu của Vietravel và xa hơn nếu thuận lợi sẽ vượt doanh thu từ mảng kinh doanh truyền thống là lữ hành.
Báo cáo tài chính hợp nhất cho biết, năm 2020, CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), công ty mẹ của Vietravel Airlines ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.941 tỷ đồng, giảm 73% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành chỉ bằng 1/5 năm trước, ghi nhận 1.215 tỷ đồng; doanh thu bán vé máy bay 463 tỷ đồng (năm 2019 ghi nhận doanh thu từ bán vé máy bay là 1.424 tỷ đồng). Sau khi trừ giá vốn hàng bán, Vietravel ghi nhận lãi gộp 177 tỷ đồng, giảm 64%.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều đi xuống nhưng chi phí lãi vay vọt lên 83,2 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kỳ. Kết quả, Vietravel lỗ sau thuế cả năm 90 tỷ đồng trong năm đầu tiên ra mắt hãng hàng không Vietravel Airlines, trái ngược với khoản lãi 40 tỷ đồng của năm 2019.
Việc thua lỗ trong quý I, II và quý IV năm 2020 đã vét sạch của để dành của Vietravel, thậm chí doanh nghiệp này còn lỗ lũy kế hơn 15 tỷ đồng thời điểm 31/12/2020.
Theo giải trình từ phía công ty, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến lĩnh vực hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các công ty con hoạt động ở nước ngoài. Chi phí tăng cao do đẩy mạnh bán hàng qua đại lý môi giới và các trang mạng trực tuyến và hoạt động mở rộng đầu tư vào các công ty con trong đó nổi bật là Vietravel Airlines.