Chuyển đổi số là cấp thiết
Ông Nguyễn Minh Tiến-Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) T.Ư chia sẻ với PV Báo NTNN, bên cạnh những thành quả to lớn đạt được trong quá trình xây dựng NTM trong hơn 10 năm qua, hiện tại nông thôn Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, việc chuyển đổi số và ứng dựng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM cũng đã được manh nha triển khai tại một số địa phương, nhưng chủ yếu vẫn mang tính tự phát.
"Chuyển đổi số hướng tới một khu vực nông thôn thông minh, trên cơ sở đánh giá thực trạng hiện nay và xu hướng phát triển thiết yếu. Do đó, nếu chúng ta không có được sự chủ động, thích ứng thì vùng nông thôn sẽ bị bỏ lại phía sau".
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương thuộc Bộ NNPTNT
Đối với công nghệ số là không có biên giới, không có hàng rào về địa lý hay cách trở về mặt thực tế, tất cả trên một thị trường, thế giới phẳng bình đẳng. Do đó, nếu thúc đẩy được sự phát triển, chúng ta có thể giảm bớt được chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.
Ví dụ như trong xây dựng NTM chúng ta đã có rất nhiều ứng dụng về công nghệ thông tin, đơn giản như nhiều địa phương lắp đặt hệ thống camera an ninh như tại Cần Thơ, Đồng Tháp… thay cho đội ngũ dân quân tự quản đi tuần, nhờ đó mức độ vi phạm pháp luật giảm đi rất nhiều.
Hay hệ thống tưới cảm biến tự động đã được áp dụng rất nhiều. Nhiều địa phương cũng đã thí điểm công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát điều hành NTM, hay mới đây nhất là Chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm.
Chuyển đổi số đem lại lợi ích gì?
Thời gian qua, Bộ NNPTNT cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất nội dung về chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Đây là lần đầu tiên hai bộ đặt nội dung chuyển đổi số thành một nội dung trọng tâm, cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định T.Ư thẩm định báo cáo chủ trương đầu tư về chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Nếu thúc đẩy được, chúng ta sẽ có thể khắc phục được một số tồn tại cũng như chuyển hóa những thách thức của giai đoạn tới để xây dựng NTM đi vào chiều sâu, trước hết phải đầu tư vào hạ tầng kết nối. Đặc biệt là đối với vùng nông thôn tỷ lệ bao phủ sóng 3G, 4G cũng như kết nối băng thông rộng vẫn còn hạn chế. Bộ NNPTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất hướng tới mục tiêu phủ sóng 4G, 5G cho vùng nông thôn, giúp người dân vùng nông thôn có thể kết nối internet với chi phí hợp lý. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu mỗi người dân, mỗi gia đình đều sử dụng điện thoại, nhất là điện thoại di động thông minh. Để làm được điều đó phải làm tốt vấn đề cốt lõi của là phải xây dựng cho được cơ sở hạ tầng dữ liệu.
"Đầu tiên chúng ta đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối; thứ hai, chúng ta có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để đưa điện thoại thông minh giá rẻ, phù hợp tới người dân; thứ ba là tích hợp hệ thống dữ liệu giữa các bộ, ngành, các phần mềm ứng dụng, ứng dụng thương mại điện tử... Nếu chúng ta ứng dụng để chuyển đổi số thành công, nó sẽ xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Người bán hàng ở vùng sâu, vùng xa hoàn toàn có thể tiếp cận trực tiếp, online, tương tác với người tiêu dùng. Với những nền tảng hạ tầng tin học, chúng ta có thể giám sát hiệu quả quy trình sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm,..." - ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM T.Ư thuộc Bộ NNPTNT cho biết.