Dân Việt

Hàng ăn uống tìm cách “sống chung” với dịch Covid – 19

Thanh Phong 17/02/2021 15:30 GMT+7
Trước tình trạng dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, các hàng ăn uống tại Hà Nội đã phải tìm đủ mọi cách để duy trì hoạt động kinh doanh.

Mới đây, tại phiên họp phòng chống Covid-19, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn ở mức cao. Đặc biệt, nguy cơ bùng phát dịch tại các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công sở có mật độ người làm việc cao, khi người lao động từ các tỉnh, thành trở lại Hà Nội sau Tết.

Theo đó, Hà Nội yêu cầu khai báo y tế đối với người dân từ các địa phương khác trở về Hà Nội sau Tết. Đáng chú ý, đắt đầu từ 0h ngày 16/2, Hà Nội tạm đừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo. Ngoài ra, tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè và quán cà phê đến khi có chỉ đạo mới của UBND TP.

Đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, Hà Nội yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi. Không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà, trường hợp không đáp ứng đầy đủ việc phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu, cho dừng hoạt động theo thẩm quyền.

Hàng ăn uống tìm cách “sống chung” với dịch Covid – 19 - Ảnh 1.

Các hàng ăn trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện biện pháp phòng dịch Covid - 19

Trước yêu cầu trên, nhiều hàng quán ăn uống trên địa bàn TP. Hà Nội đã thực hiện ngăn cách bàn ăn, tăng dịch vụ giao hàng tận nơi. Theo một chủ hàng bánh cuốn trên phố Trung Kính cho biết, ngay từ ngày 15/2, khi có những thông tin ban đầu về yêu cầu phòng chống dịch, cơ sở này đã chuẩn bị các tấm mica ngăn cách, gel rửa tay phục vụ khách hàng.

"Từ đợt dịch lần trước, chúng tôi đã sử dụng tấm kính để ngăn cách, tuy nhiên, sau đó, dịch được kiểm soát nên đã bỏ đi. Hiện tại, vào thời điểm đầu năm mới, muốn tìm được cửa hàng sản xuất, gia công rất khó nên chúng tôi đã nghĩ ra cách sử dụng các tấm mica.

Ưu điểm là gọn nhẹ, giá rẻ, có thể tháo ra vệ sinh liên tục, không sử dụng nữa có thể cất đi, lúc nào có dịch lại lấy ra để sử dụng. Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp nên chúng tôi phải tìm cách "sống chung" thôi", vị chủ quán chia sẻ.

Ngoài hàng ăn, các quán cafe cũng đã thay đổi phương thức kinh doanh, đẩy mạnh dịch vụ giao hàng cho khách. Cụ thể, chuỗi cửa hàng Cafe Yên tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đóng cửa các cửa hàng và chuyển sang bán online từ ngày 16/2.

Theo đó, khách hàng đặt chai cafe tươi và hạt cafe qua website, hotline của đơn vị này sẽ được hỗ trợ 20.000 đồng tiền vận chuyển/đơn hàng. Cũng theo thông tin từ phía Cafe Yên, khách hàng cũng có thể đặt hàng qua các đối tác giao hàng như: Now, Grab, Baemin,…

Hàng ăn uống tìm cách “sống chung” với dịch Covid – 19 - Ảnh 2.

Nhiều thương hiệu cafe chuyển sang kinh doanh online hoặc tạm dừng hoạt động.

Ngoài các thương hiệu chuyển qua bán hàng online như Cafe Yên, Kafa Cafe, hiện tại, nhiều mô hình tương tự: Cộng Cà Phê, September Cafe & Bistro,… đã dừng hẳn hoạt động sau những ngày bán hàng xuyên Tết.

Được biết, bên cạnh hàng ăn uống, Hà Nội cũng yêu cầu các quận huyện thường xuyên kiểm tra việc đóng cửa các quán game, Internet, bar, Karaoke, club... theo đúng chỉ đạo của UBND TP.

Đồng thời yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Trường hợp không thực hiện xử phạt nghiêm theo quy định, thông báo đến nơi làm việc và sinh sống.