Gia Cát Lượng: Mưu kế cuối khiến 4 người mất mạng, gần 2000 năm sau vẫn thách thức hậu thế.
Sử viết: Gia Cát Lượng từng trăng trối lệnh cho thuộc hạ chôn mình tại núi Định Quân thuộc Hán Trung, xây mộ theo thế dựa núi, chỉ cần đào một cái huyệt, huyệt chỉ chứa được quan tài, cho mặc quần áo ngày thường nhập liệm, không cần những đồ tuỳ táng khác.
Gia Cát Lượng từng dâng tấu cho biết, mình không có tài sản dư thừa, ông đã sắp xếp cho con cháu như sau: "Kim thành đô hữu tang bát bách châu, bạc điền thập ngũ khoảnh, tử đệ y thực, tự hữu dư nhiêu." Có nghĩa là: Con cháu ông có thể sống tự cung tự cấp nhờ vào 800 cây dâu và 15 khoảnh đất cằn.
Tương truyền Gia Cát Lượng có dặn dò người bên mình rằng: "Quan tài Nam đài, thằng đoạn tiện táng", có nghĩa là để vài người khiêng quan tài ông đi về phía Nam, khi nào dây thừng đứt, khi ấy hãy hạ táng.
Theo ý của Khổng Minh, quân đội cử bốn người cường tráng khiêng quan tài của ông đi về phía Nam, nhưng bốn người này đã đi rất lâu nhưng vẫn không thấy dây thừng có dấu hiệu đứt. Họ bèn bàn bạc một lúc rồi lấy đao chặt đứt luôn dây thừng, sau đó tìm một địa điểm thích hợp chôn quan tài rồi quay về.
Hậu chủ Lưu Thiện nhận thấy bốn người này tốn quá ít thời gian trong việc đưa tiễn di hài của Thừa tướng, sau khi tra khảo mới biết họ không làm theo lời trăng trối của Gia Cát Lượng. Trong cơn tức giận, Lưu Thiện đã cho giết bốn người này.
Nhưng sau khi họ bị giết, không còn ai biết được địa điểm chính xác chôn cất Gia Cát Lượng nữa.
Có lẽ đây cũng là kế cuối cùng khi Gia Cát Lượng còn sống! Ông lo rằng sau khi chết mình không được yên, chỉ cần không ai biết ông được chôn ở đâu, vậy thì không cần lo có người quật mộ. Và quả thật, cho đến ngày nay, sau gần 2000 năm, hậu thế vẫn chưa tìm ra được mộ thật của Gia Cát Lượng.
Đúng như nhà sử học Tiền Mục (Trung Quốc) từng nói: "Một Gia Cát lượng đã khiến thời Tam Quốc thêm rực sáng, sánh ngang với thời Lưỡng Hán."