Về clip nam sinh tát cô giáo, ngày 19/2, đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, qua xác minh, vụ việc xảy ra tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ba Đình.
Liên quan đến thông tin này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT.
Thưa PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, ông đã xem clip nam sinh tát cô giáo trên bục giảng chưa, và ông có đánh giá như thế nào về hành vi này?
- Tôi đã xem clip sự việc trên. Tôi phải nhấn mạnh là cách cư xử như vậy hoàn toàn sai trái. Một cô giáo giống người mẹ, người cha của mình mà nam sinh lại tát vào cô giáo như vậy thì có thể thấy rõ đạo đức em này quá kém cỏi. Theo tôi, cần có kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh.
Thưa ông, sự việc xảy ra trong tình huống giáo viên thu tai nghe của nam sinh. Theo ông, như vậy có chấp nhận được không?
- Hành động như vậy rõ ràng không chấp nhận được. Nếu cô giáo lấy đồ của mình mà học sinh thấy không hợp lý thì phải trình bày một cách nhã nhặn, không thể ứng xử như vậy.
Theo tôi, phải làm thế nào cho học sinh nhận ra sai sót nghiêm trọng của mình, phải giáo dục kiểm điểm các em, phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh để các em tự kiểm điểm đó là điều sai trái, không cho phép bất cứ học sinh nào làm như vậy với người dạy dỗ mình nên người.
Nhà trường đã kỷ luật đình chỉ học 1 năm đối với nam sinh trên, ông nghĩ hình thức này có đủ sức răn đe?
- Tôi cho rằng, việc kỷ luật đầu tiên là làm sao để học sinh tự kiểm điểm mình. Học sinh có nhận ra sai sót của mình hay không, sai sót đến đâu, tuỳ theo nhận thức của học sinh. Từ đó, Hội đồng kỷ luật nhà trường xem xét để có hình thức kỷ cho thích đáng.
Nếu các em đã tự thấy việc làm của mình sai trái, hối hận về việc này, muốn sửa chữa sai lầm thì tôi nghĩ nên kỷ luật với hình thức, mức độ nào đó. Người ta vẫn nói rằng đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại". Việc kỷ luật các em nặng hay nhẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Học sinh ngoan cố thì cần kỷ luật nghiêm khắc nhưng nếu các em thấy hành động đó hoàn toàn sai trái, ân hận về hành vi của mình và muốn sửa chữa thì chúng ta theo dõi, có mức độ kỷ luật nào đó để đủ răn đe.
Sau sự việc này, ông muốn nhắn nhủ gì tới các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con em mình?
- Phụ huynh nào cũng muốn con mình tốt, không ai muốn con mình có đạo đức kém, đối với giáo viên như vậy. Tôi nghĩ nhà trường cần phối hợp với phụ huynh để các bậc cha mẹ thấy được chuyện đó. Chính phụ huynh cũng là người nghiêm khắc phê bình hành động của con. Như vậy cả hai cùng theo dõi giáo dục để học sinh có đạo đức ngoan ngoãn không những ở trường mà còn ở nhà.
Các em biết yêu thương các anh chị em trong nhà, với bố mẹ của mình biết lễ phép. Mọi người vẫn truyền tai câu nói "tiên học lễ hậu học văn", người học giỏi thế nào đi chăng nữa nhưng không lễ phép, đạo đức thì cũng không có ích lợi gì cả. Đạo đức của con người là vấn đề hết sức quan trọng. Đạo đức tốt thì mới trở thành người có ích cho xã hội.
Chính vì vậy nhà trường cũng như gia đình phải chú ý trong việc giáo dục các thế hệ học trò. Ngày nay, mạng xã hội phát triển, bao nhiêu chuyện sai trái nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của các em.
Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Sau khi tiếp nhận thông tin sự việc trong clip nam sinh tát cô giáo, UBND quận Ba Đình phối hợp cùng phòng Chính trị tư tưởng của Sở GDĐT Hà Nội, báo cáo về Sở cũng như Bộ GDĐT trong ngày 19/2.
Theo điều tra, clip nam sinh tát cô giáo xảy ra tháng 5/2020. Nam sinh đang học lớp 8 của Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ba Đình. Sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã tiến hành lập hội đồng kỷ luật xem xét sự việc và đề xuất cho lãnh đạo cơ sở giáo dục ra quyết định kỷ luật đuổi học 1 năm đối với học sinh vi phạm, đồng thời, yêu cầu học sinh quay clip đưa lên mạng xóa clip này.
"Gia đình đã xin cho nam sinh này nghỉ học. Sự việc xảy ra trong tình huống giáo viên thu tai nghe của học sinh. Em này không bình tĩnh, đi lên đòi lại và tát cô giáo", đại diện Sở GDĐT Hà Nội nói.