Cặp vạn niên tùng này khoảng 150 tuổi, mỗi cây có chiều cao khoảng 7m, đường kính tán khoảng 4m, hoành gốc 1,3m, hoành chi khoảng 40cm.
Đây là một trong số hiếm các cây vạn niên tùng có đường kính chi lớn như vậy, các chi được tạo dáng uốn éo rất công phu và kỳ công theo phương pháp tứ diện nhật nguyệt (tức các chi được tạo tán hình tròn lớn nhỏ đan xen 4 phía như mặt trời và mặt trăng).
Theo ông Lộc, cặp vạn niên tùng này có giá trị khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phước Lộc chia sẻ, cặp vạn niên tùng này được ông mua từ một người chơi kiểng ở tỉnh Tiền Giang.
Ban đầu cây được sửa theo kiểu tự do, khi mua về ông Lộc tiến hành chỉnh sửa và tốn nhiều công sức để thổi hồn vào cây theo dáng kiểng cổ Nam bộ nên đã tạo được giá trị độc bản cho cây.
Được biết, đây là kỷ lục thứ 3 về cây xanh mà ông Lộc đang sở hữu. Trước đó, vào năm 2013, cặp me kiểng của ông Lộc cũng từng xác lập kỷ lục “Cặp me kiểng cổ nhất Việt Nam” và gần đây nhất là vào tháng 1/2021.
Cây Sanh bonsai trong vườn ông Lộc cũng đã xác lập kỷ lục “Cây Sanh bon sai có đường kính tán lớn nhất Việt Nam” với đường kính tán lên đến 6,2m, chiều cao 5,5m, hoành gốc 3,6m, cây khoảng 120 tuổi.
Điểm độc đáo ở cây Sanh này là cây có tán lớn nhưng được tạo tác theo kiểu dáng cây bonsai nên được xem là cây bonsai “khủng” nhất ở Việt Nam hiện nay.