Ngày 17/2 vừa qua, Facebook đã khiến cả thế giới bất ngờ trước hành động có phần mạnh tay của mình: Chặn toàn bộ người dùng Úc khỏi các nội dung tin tức, gồm cả nội dung mà Chính phủ nước này đăng trên nền tảng của họ.
Động thái trên diễn ra khi Quốc hội Úc dự kiến thông qua một dự luật mới yêu cầu những nền tảng trực tuyến như Facebook và Google phải chia sẻ lợi nhuận với các tập đoàn truyền thông của Úc.
Úc muốn Facebook và Google chia sẻ lợi nhuận cho các tập đoàn truyền thông của nước này.
Đến nay, các nhà xuất bản tin tức ở Úc đã bị hạn chế đăng tin lên Facebook. Đồng thời, người dùng cũng không thể xem được tin bài từ nhà xuất bản quốc tế và cũng không xem được bài báo mà người dùng Facebook trên thế giới chia sẻ. Ngoài ra, người dùng toàn cầu cũng không thể chia sẻ tin bài của các nhà xuất bản Úc.
Quyết định của Facebook đã vấp phải rất nhiều chỉ trích và thậm chí gã khổng lồ công nghệ này còn có khả năng đối mặt với làn sóng tẩy chay. Mặc dù vậy, theo Forbes, đó có thể là tin tốt cho các nền tảng khác thuộc sở hữu của Facebook.
Trên thực tế, các hạn chế của Facebook chỉ áp dụng với ứng dụng cùng tên và hoàn toàn không ảnh hưởng đến Instagram, Messenger hay WhatsApp. Điều này đã được họ xác nhận với Forbes cách đây không lâu.
Có thể nói, không nền tảng truyền thông xã hội nào cho phép truyền bá các bài báo và tin tức rộng rãi như Facebook. Tuy nhiên, các nền tảng giờ đây đều có tính năng chia sẻ tin tức và người dùng vẫn có thể theo dõi tin sốt dẻo tại một trong ba ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook khi không thể làm điều đó với Facebook của mình.
Messenger và WhatsApp là ứng dụng xã hội được tải xuống nhiều thứ nhất và thứ ba ở Úc, tính đến ngày 17/2, theo dữ liệu từ công ty SensorTower. Trong khi đó, Facebook đứng ở vị trí thứ hai. Theo thống kê, năm 2020, Messenger đạt trung bình 260.00 lượt tải xuống mỗi tháng, nhiều hơn cả con số 223.000 của Facebook. Về phần mình, WhatsApp đạt trung bình 200.000 lượt tải. Như vậy, Facebook dường như vẫn là một thế lực lớn tại quốc gia này.
Khi Facebook đang nắm giữ thế mạnh trên thị trường truyền thông xã hội Úc thì Twitter cũng là một ứng dụng phổ biến. Trước động thái mới của Facebook, nhiều khả năng Twitter cũng sẽ hưởng lợi ít nhiều.
Joe Bonner, một nhà phân tích cho biết: "Twitter sẽ là một trong những ứng cử viên hàng đầu. Các công ty khác đã sẵn sàng để lấp đầy khoảng trống mà Facebook để lại, bao gồm các ứng dụng nhắn tin như Discord, Telegram và Signa".
Theo SensorTower, những công ty trên có khả năng thu hút người dùng hàng ngày muốn chia sẻ tin tức và quan trọng hơn là không đơn vị nào được coi là "lớn" đối với các nhà xuất bản chính thống ở Úc. Cả ba đều được xếp hạng cao trong số những ứng dụng xã hội được tải xuống nhiều nhất ở Úc trong tháng qua.
Trong một bài đăng liên quan đến quyết định "nghỉ chơi" với nước Úc, Facebook cho biết tin tức chỉ chiếm chưa đến 4% nội dung được chia sẻ trên nền tảng của họ. Điều đó đồng nghĩa với việc lưu lượng truy cập của ông lớn này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều chỉ vì họ cấm tin tức.
Các nhà đầu tư của Facebook cũng không quá lo lắng. Ngày 17/2, cổ phiếu công ty giảm 0,15%. Một nhà phân tích cho biết không ít nhà đầu tư đánh giá lệnh cấm của Facebook là 'khôn ngoan' vì các quốc gia khác nhiều khả năng sẽ nối gót chính phủ Úc yêu cầu mạng xã hội phổ biến nhất thế giới chia sẻ lợi nhuận cho giới truyền thông. Công ty của Mark Zuckerberg có thể sẽ phải trả tới hàng trăm triệu USD hoặc nhiều hơn cho giới báo chí nếu hàng loạt chính phủ cùng học theo nước Úc.
Và suy cho cùng, Úc cũng chỉ đại diện cho một thị trường nhỏ đối với một gã khổng lồ như Facebook. Thống kê cho thấy trong 71 tỷ USD doanh thu toàn cầu năm 2019 của Facebook, chỉ có vài trăm triệu USD đến từ Úc.
Nguồn: Forbes