Mới đây, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm báo cáo: "Có tình trạng 1 số công dân không đi từ Hải Dương về Hà Nội nhưng muốn được xét nghiệm nên đã khai là có đi qua Hải Dương. Việc này đã được tổ dân phố đã phát hiện ra và cơ sở đã vận động công dân tự giác không đăng ký xét nghiệm nữa".
Ngay lập tức, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo, người chủ trì phiên họp nhắc nhở: "Đây là không trung thực, gian lận trong kê khai y tế. Người đi qua vùng dịch mà không khai báo hay người không qua vùng dịch mà khai là có qua thì đều là gian lận có chủ ý và phải xử phạt hành chính theo quy định".
"Một người cố tình khai đi về từ Hải Dương sẽ kéo theo 3,4 người trong nhà đi xét nghiệm thì kinh phí TP không đảm bảo được. Sau này TP sẽ kiểm tra kỹ, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Chử Xuân Dũng nêu rõ.
Liên quan đến việc này, trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, với tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hải Hương hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng.
Việc người dân cố tình khai báo không trung thực để trốn tránh cách ly, cung cấp những thông tin sai sự thật về dịch bệnh xuất hiện nhiều, tuy nhiên việc khai báo không trung thực về việc đi qua vùng dịch mà thực tế lại không phải như vậy là trường hợp có thể nói là hi hữu, gần đây mới xuất hiện.
"Tôi cho rằng việc khai báo không trung thực của các cá nhân trong trường hợp này là khá ích kỷ. Về bản chất thì hành vi này là lo lắng cho chính bản thân tuy nhiên thể hiện không đúng mực, trái quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh.
Thêm vào đó, việc làm này có thể gây nhiễu các thông tin trong việc truy vết những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thực sự, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch, trong khi nguồn lực, nguồn ngân sách phòng chống dịch có hạn", Luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch thông tin: Theo quy định pháp luật, không chỉ riêng hành vi lây lan dịch bệnh cho người khác mà việc người dân khai báo gian dối dù là mục đích nhằm trốn tránh cách ly hay khai báo gian dối đã từng qua vùng dịch để được xét nghiệm miễn phí đều là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 4, Điều 8 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Theo đó, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trước tình trạng trên, Luật sư Trần Tuấn Anh bày tỏ, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay thì đội ngũ thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh đang căng sức, tranh thủ từng giây từng phút để có thể ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh thì cần nhất lúc này là sự chung tay của toàn xã hội.
Trách nhiệm phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, đội ngũ y bác sĩ mà còn là trách nhiệm chung của các cá nhân, tổ chức.
"Việc mỗi người dân khai báo trung thực, tự giác khai báo y tế, tuân thủ đúng quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh không chỉ giúp tránh những hậu quả pháp lý xảy ra mà quan trọng hơn hết, những hành động này chính là hành động thiết thực nhất để có thể đồng hành cùng đội ngũ cán bộ y, bác sĩ trong công tác ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh truyền nhiễm nhằm góp phần đưa cuộc sống bình yên trở lại", Luật sư Trần Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội, Luật sư Nguyễn Chiến (Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, việc một số người dân khai báo giả đã đi qua vùng dịch để được xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn TP. Hà Nội hành vi không trung thực, gian lận trong kê khai y tế.
"Người đi qua vùng dịch mà không khai báo hay người không qua vùng dịch mà khai là có qua thì đều là gian lận có chủ ý và phải xử phạt hành chính theo quy định", Luật sư Nguyễn Chiến nói.
Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, việc người dân không đi qua vùng dịch nhưng lại khai báo để được xét nghiệm Covid-19 gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch bệnh, đồng thời gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ trong đại bộ phận người dân.
Ngoài ra việc này còn có ảnh hưởng rất lớn tới nguồn ngân sách phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó, luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, việc xử phạt đối với hành vi khai báo giả để được xét nghiệm Covid-19. Cụ thể ở đây là người vi phạm có thể bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng về lỗi báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điểm b khoản 2 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Ngược lại, những người từ vùng dịch trở về nhưng không chủ động khai báo y tế hoặc khai báo y tế không đầy đủ, gian dối nếu gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
Khi đó, khung hình phạt thấp nhất với tội danh này là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ một năm đến 5 năm. Trường hợp phạm tội làm chết người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Ngoài hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
"Tôi mong rằng mọi người hãy khai báo y tế đúng, có trách nhiệm, không nên vì quá lo sợ mà khai sai. Có như vậy, họ sẽ tránh được rủi ro pháp lý và cuộc chiến phòng, chống Covid-19 mới thuận lợI", Luật sư Nguyễn Chiến nhấn mạnh.