Giúp hội viên xóa nghèo, làm giàu
Nhiều năm liền được nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình VAC, chị Dương Thị Thu Hường (ở khu 3, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh) đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, nuôi lợn rừng đặc sản theo phương pháp an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hường cho biết: Thông qua các lớp tập huấn do Hội ND tổ chức, chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình VAC của gia đình. Hiện nay, trang trại của gia đình chị có hơn 5.000 gà, lợn rừng; 6 sào ao và 5ha đồi rừng. Ngoài ra, chị còn mở cửa hàng kinh doanh cám chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với mô hình trang trại VAC, mỗi năm chị Hường có thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng và tạo việc làm cho 5 đến 12 hội viên với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Điểm nhấn của phong trào nông dân thi đua SXKD ở Phú Thọ là đã có nhiều mô hình hay ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, doanh thu hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm; hàng nghìn hội viên, nông dân thoát nghèo, từng bước vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Còn chị Đinh Thị Hoan (dân tộc Mường) ở xóm Đình, xã Thượng Long, huyện Yên Lập là điển hình nông dân vượt khó. Chị Hoan tâm sự: Nhiều năm trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì xóm. Đất đai canh tác không có nhiều, nên những lúc nông nhàn, chồng chị đi làm thuê, còn chị vào rừng đào măng, kiếm củi, vất vả trăm bề nhưng thu nhập chẳng đáng là bao.
Được Hội ND tín chấp cho vay vốn ưu đãi, chị đã mua gà giống về nuôi. Lúc đầu, đàn gà chỉ có 50 con, dần dần chị Hoan nhân đàn lên 500 con, rồi bây giờ là hơn 2.000 con gà sinh sản. Cùng với mở rộng quy mô nuôi gà, chị Hoan đầu tư 1 máy ấp trứng với công suất 8.000 trứng/mẻ. Nhờ đàn gà mà gia đình chị đã hết cảnh "kiếm củi, bẻ măng" và có thu nhập chục triệu đồng/tháng.
Chị Hoàng Thị Thanh Thúy - Chủ tịch Hội ND xã Phú Lộc cho biết: Hiện Hội ND xã có 846 hội viên. Để hội viên thực hiện phong trào SXKD giỏi có hiệu quả, Hội ND xã đã tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản…
Dấu ấn từ các phong trào thi đua
Ông Nguyễn Khắc Văn - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Phú Thọ cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 208.000 hội viên nông dân, chiếm trên 92,15% so với số hộ nông nghiệp, sinh hoạt tại 2.180 chi hội, ở 213 xã, phường, thị trấn.
Nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với phong trào thi đua của Hội đặc biệt là giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững sâu rộng trong cán bộ, hội viên. Hàng năm, Hội tổ chức tuyên truyền vận động trên 132.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, qua bình xét có trên 80.000 hộ đạt tiêu chuẩn.
Theo ông Nguyễn Khắc Văn, điểm nhấn của phong trào nông dân thi đua SXKD ở Phú Thọ là đã có nhiều mô hình hay ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, doanh thu hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm; hàng nghìn hội viên, nông dân thoát nghèo, từng bước vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Song song với đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, Hội ND tỉnh Phú Thọ cũng tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân thông qua việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất.
Đến nay, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp do tỉnh quản lý đạt trên 42 tỷ đồng cho trên 1.100 hộ vay; nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với tổng số dư nợ gần 1.200 tỷ đồng cho 35.144 hộ vay vốn, tại 1.139 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, Hội phối hợp với Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng trên 4.000 tấn phân bón NPK trả chậm; cung cấp cây con giống, tạo việc làm tại chỗ cho trên 2.000 hộ hội viên nông dân nghèo, khó khăn với tổng giá trị gần 4 tỷ đồng...
Điểm nhấn nữa trong công tác Hội ND ở Phú Thọ là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai hiệu quả, số lao động nông thôn được tư vấn học nghề năm sau cao hơn năm trước, tập trung một số ngành nghề như: Nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng rau an toàn, may công nghiệp… Trong những năm qua, Hội ND các cấp trong tỉnh Phú Thọ đã trực tiếp và phối hợp dạy nghề cho hơn 42.000 lao động. Sau học nghề có gần 80% số học viên là lao động nông thôn đã tự tạo việc làm.