Dân Việt

Tương lai TP.HCM sẽ có cầu vượt biển Cần Giờ lớn hơn cả cầu Cổng Vàng ở San Francisco

Quốc Hải 23/02/2021 16:09 GMT+7
Cầu vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu là gạch nối hoàn thiện con đường ven biển phía Đông, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông mà còn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, trong đó có du lịch. Nếu được xây dựng, tương lai TP.HCM sẽ có một cây cầu lớn hơn cả cầu Cổng Vàng - Golden Gate Bridge, bắc qua vịnh San Francisco, Mỹ.

Mới đây, giấc mơ làm cầu biểu tượng như cầu Cổng Vàng ở Mỹ tiếp tục được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất làm và bổ sung vào quy hoạch chung của TP.

Cầu vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ lớn hơn cả cây cầu Golden Gate Bridge ở San Francisco? - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Cụ thể, trong văn bản góp ý kiến Báo cáo rà soát, đánh giá đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2060, HoREA một lần nữa nêu đề xuất làm cầu vượt biển Cần Giờ. "Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ, nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu, bổ sung vào quy hoạch đường ven biển phía Đông từ TP.HCM đến tỉnh Kiên Giang, đồng thời cũng là điểm nhấn kiến trúc và là cầu cảnh quan, phục vụ du lịch", văn bản HoREA nêu.

Để hiểu rõ hơn về đề xuất này, Dân Việt đã trao đổi với ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA. Ông Châu cho biết: "Không có ai bác ý kiến này mà cũng không có ai chấp thuận ý kiến này tại thời điểm hiện nay. Đây là ý kiến của các chuyên gia, của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM với tư cách chuyên gia phản biện xã hội. Bởi Nhà nước đã quyết định xây dựng con đường phía Đông bắt đầu từ Móng Cái (Quảng Ninh), chạy ven biển và có nhiều đoạn song song với quốc lộ 1A, có những đoạn trùng với quốc lộ 1A và tuyến đường này sẽ kéo dài tới Hà Tiên (Kiên Giang). Vì thế, cây cầu vượt biển Cần Giờ là một gạch nối giúp hoàn thiện tuyến đường ven biển này".

Hoàn thiện đường ven biển phía Đông

-Thưa ông, vì sao HoREA có đề xuất về việc xây dựng cầu vượt biển nối Cần Giờ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu?

Tuyến đường ven biển hiện nay tại khu vực tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nền đường, chẳng hạn từ Hàm Tân qua TP Vũng Tàu là đã có rồi. Tuyến đường này hiện chưa đạt được quy mô như quy hoạch nhưng nhìn chung khá thuận lợi. Tuy nhiên, tuyến đường đến  Vũng Tàu thì kết thúc và muốn di chuyển phải đi vòng qua quốc lộ 51, qua cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây rồi mới đi tiếp ra quốc lộ 1A.

Song, chúng ta lại có tuyến đường bắt đầu từ quốc lộ 50 từ TP.HCM đi qua Long An (địa phận Cần Giuộc, Cần Đước) và có cầu Mỹ Lợi để đi qua huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), sau đó cũng từ quốc lộ 50 qua cầu Rạch Miễu để đến Bến Tre.

Vừa qua, đồng chí Bí thư tỉnh Ủy Bến Tre (ông Phan Văn Mãi) đã phát biểu tại Đại hội Đảng đề nghị phát triển tuyến đường ven biển phía Đông để kết nối với cầu Mỹ Lợi và xuyên qua khu vực sông Tiền ở phía gần cửa biển, nghĩa là đi qua huyện Bình Đại (Bến Tre), đi qua sông Hàm Luông, rồi qua tiếp đến sông Cổ Chiên để kết nối với cầu Cổ Chiên qua Trà Vinh. Ý tưởng của anh Mãi phù hợp với ý tưởng của HoREA, cũng như là phù hợp trong định hướng xây dựng tuyến đường ven biển.

-Nghĩa là việc có một cây cầu vượt biển nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu là rất cần thiết?

Nếu TP Vũng Tàu có cầu nối với huyện Cần Giờ (TP.HCM) thì sẽ rất tiện lợi. Hiện nay Cần Giờ đã có đường Rừng Sác nhưng đây là tuyến đường không được mở rộng nữa để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tập đoàn Vingroup có đề nghị làm con đường trên cao của đường Rừng Sác, là con đường gần giống như một cao tốc. Con đường này sẽ kết nối vô cầu Cần Giờ, nối huyện Cần Giờ với Nhà Bè, rồi từ đó nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây.

Cầu vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ lớn hơn cả cây cầu Golden Gate Bridge ở San Francisco? - Ảnh 2.

TP.HCM đang mơ về một cây cầu vượt biển có tầm vóc vượt trội hơn cả cây cầu Golden Gate Bridge ở San Francisco, Mỹ

Cửa biển Cần Giờ có chiều rộng khoảng 12km, thêm đường dẫn 2 bên nữa khá dài vì cầu này sẽ rất cao để cho tàu biển quốc tế ra vào thuận lợi. Do đó cây cầu này về mặt quy hoạch độ tĩnh không sẽ ở mức tối thiểu là 45m, hoặc nếu cần thiết phải cao thêm tầm 10m nữa để đảm bảo. Cầu khi được xây dựng sẽ kết nối với đường trên cao của đường Rừng Sác chạy tới cầu Cần Giờ và nối vào các cao tốc để đi vô Bình Chánh, ra Long Thành…

Nếu có tầm nhìn hơn nữa, chúng ta thấy bên kia của huyện Nhà Bè là xã Long Hậu, Cần Giuộc (Long An), kết nối với cảng biển quốc tế Tân Tập (Cần Giuộc). Khi đó sẽ tạo thành tuyến đường ven biển nối cầu Mỹ Lợi thông suốt xuống miền Tây, tới Kiên Giang. Điều này không chỉ phục vụ nhu cầu giao thông mà còn phục vụ phát triển kinh tế xã hội tổng hợp, trong đó có du lịch.

Phát triển kinh tế và du lịch

-Nhưng hiện tại việc xây dựng cầu nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ được đánh giá là cần thiết hơn. Liệu đề nghị xây cầu vượt biển lúc này đã thực sự phù hợp?

Tất nhiên. Nhưng vì sao HoREA lại đề nghị chuyện này? Bởi vì, việc điều chỉnh quy hoạch của TP.HCM đặt ra nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung trong giai đoạn 2021-2040, tầm nhìn 2060. 

Như vậy, câu chuyện ở đây không chỉ là trước mắt, không chỉ phục vụ giai đoạn hiện nay mà còn có tầm nhìn về mặt lâu dài. Nên HoREA với tư cách là tổ chức nghề nghiệp và với tầm nhìn của mình đã đóng góp vào đề án, thực ra đang trong giai đoạn rà soát quy hoạch chung của TP.HCM. Khả năng trong khoảng 1 tháng nữa thì Sở Quy hoạch Kiến trúc TP sẽ tổ chức hội nghị để trao đổi về nhiệm vụ quy hoạch chung khi điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP.HCM.

Ở đây, chúng ta không nhìn ở góc độ 5 - 10 năm tới mà là quy hoạch chung xây dựng TP.HCM cho 20 năm tới và tầm nhìn đến 40 tới.

Cũng cần phải hiểu, cây cầu vượt biển này với một độ cao như thế, khi kết nối vào đường trên cao của đường Rừng Sác thì phải tính toán một quỹ đất tối thiểu phục vụ cho xây cầu để nó không làm tác động xấu, tiêu cực đến khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn. Trước đây Bộ NNPTNT đã có đề nghị làm đập ngăn biển ở cửa biển Cần Giờ. Nhưng nếu làm con đập này thì sẽ không còn khu dự trữ sinh quyển nữa, vì rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ trở thành hồ nước ngọt khổng lồ.

Vì thể, giải pháp xây cầu vượt biển sẽ đồng thời giải quyết việc khép kín đường ven biển phía Đông, vừa là điểm nhấn về mặt công trình xây dựng và cảnh quan, phục vụ du lịch. Hãy tưởng tượng chúng ta sẽ có một cây cầu lớn hơn cả cây cầu Golden Gate ở San Francisco, Mỹ. Ấn tượng quá đi chứ!

-Theo ông, nếu đầu tư cây cầu vượt biển này, nên giao cho Nhà nước hay tư nhân làm?

Theo tôi, cây cầu này do Nhà nước hay tư nhân làm thì cứ có quy hoạch đi, đến một thời điểm hội đủ các điều kiện sẽ có doanh nghiệp đầu tư.

Xin cảm ơn ông!