Vừa qua tết Giáp Tuất (1934), Đường Nạp gặp gỡ và quen biết một cô gái từ Sơn Đông tới, tên là Lý Vân Hạc, trai tài gái sắc vừa mới gặp nhau liền "đầu mày cuối mắt"... Không lâu sau, Đường Nạp đặt nghệ danh cho Lý Vân Hạc là "Lam Bình" (lục bình xanh, bèo tây xanh) và còn giới thiệu kết nạp cô ta vào Kịch Liên (Hội Liên hiệp Kịch - Điện ảnh Trung Quốc).
Đường Nạp là nhà văn biên soạn kịch bản và bình luận điện ảnh nổi tiếng trong nửa đầu thế kỷ XX, Lam Bình dưới sự giúp đỡ của anh đã được đóng vai chính trong vở kịch nổi tiếng "Nara", thành danh ngay từ vở diễn đầu tiên và trở thành "Bông hoa kịch trường mới" tại Thượng Hải. Tiếp đó, Lam Bình gia nhập Công ty Ảnh nghiệp Điện Thông, tham gia đóng một số bộ phim, trong đó có bộ phim "Phong cảnh thành phố" rất ăn khách.
Ngày 26/4/1936, 3 cặp uyên ương là Đường Nạp - Lam Bình, Triệu Đan - Diệp Lộ Xuyến và Cố Nhi Dĩ - Đỗ Hiểu Quyên cùng tổ chức đám cưới tập thể dưới tháp Lục Hòa bên sông Tiền Đường, Hàng Châu. Chứng hôn là luật sư Thẩm Quân Nho, đứng chủ hôn là Âu Dương Dư Sảnh, Kim Sơn và Trịnh Quân Lý.
Lam Bình sau khi lấy chồng, lại tham gia đóng bộ phim "Vương Lão Ngũ", đóng vai chính trong các vở kịch nói "Trại Kim Hoa", "Đại Lôi Vũ" v.v... nhờ đó mà danh nổi như cồn! Chị ta ngày càng cảm thấy ngứa mắt trước "ông chồng ngờ nghệch" Đường Nạp và bắt đầu ngoại tình...
Sau khi biết mình bị "cắm sừng", Đường Nạp căm hận và tủi hổ, tới mức 2 lần định tự sát. Lam Bình trái lại trơ trẽn đổi trắng thay đen, chị ta gửi đăng một lá thư công khai dài 3.000 chữ trên tờ "Đại công báo" với tiêu đề "Lời tự bạch của tôi".
Trong thư chị ta phân bua: "Bản thân bởi áp lực về kinh tế quá lớn mà ban đầu tôi buộc phải ưng thuận làm vợ Đường Nạp, mà thực ra khi tôi kết hôn cùng Đường Nạp chẳng có giấy giá thú, vậy nên chẳng hề bị ràng buộc về mặt pháp luật. Hơn thế nữa, anh ta có mới nới cũ chẳng trung thực chung tình với tôi, tôi cũng đã có người tình mới!".
Cực chẳng đã, Đường Nạp cũng gửi đăng một bức thư ngỏ trên tờ "Đại công báo", lớn tiếng phản bác: "Lam Bình công khai lãn hôn (ngãng ra trong hôn nhân), bức thư "Tự bạch" ấy là những lời giả dối "gắp lửa bỏ tay người", tung hỏa mù che đậy sự xấu xa của mình".
Sau sự biến "13/8" năm 1937, giới văn nghệ sĩ, điện ảnh, kịch trường... Thượng Hải đua nhau lên đường chống Nhật cứu nước. Lam Bình lẳng lặng đi Diên An. Đường Nạp cũng rời Thượng Hải. Trước khi lên đường, Đường Nạp đã nói với một phóng viên tờ "Thân báo" rằng, sai lầm lớn nhất của ông là lấy Lam Bình, người đàn bà đổi trắng thay đen...
Quả nhiên là sau khi tới Diên An, Lam Bình liền đổi tên thành Giang Thanh. Từ đó Lam Bình không bao giờ nhắc tới cái tên Đường Nạp.
Còn Đường Nạp vẫn luôn theo dõi tin tức Giang Thanh. Tại "Bồi đô" (chỉ thủ đô kháng chiến Trùng Khánh của Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch), Đường Nạp có lần đã nói với Quách Mạt Nhược: Người đời thường ví đàn bà với họa thủy - nước gây tai họa, đúng là tôi xuýt nữa thì bị Lam Bình dìm chết. Nghe xong, Quách Mạt Nhược chỉ nói một câu: Đường rộng thênh thang, từ nay hãy nên hai người đôi ngả...
Tháng 9/1945, Đường Nạp rời Trùng Khánh quay trở về Thượng Hải. Ông đổi tên thành "Mã Quý Lường" trước tiên nhận việc tại Sở Báo chí Anh quốc, sau sang làm biên tập tờ "Đại công báo" và cuối cùng làm Tổng biên tập tờ "Văn hối báo" Hong Kong. Tháng 12/1948, Đường Nạp rời Hong Kong sang Mỹ.
Khi đó, Đường Nạp ngoài việc viết các bản tin, bài vở cho báo chí nước ngoài, ông còn viết tiểu thuyết "Tính phi giai nhân", nội dung chính của cuốn truyện trên xoay quanh chuyện tình đầy bi kịch của mình với Lam Bình - Giang Thanh.
Bởi từng có quan hệ với Giang Thanh, người đàn bà sau ngày đất nước giải phóng (1/10/1949) đã trở thành vợ ba của Mao Trạch Đông nên Đường Nạp khó lòng quay trở về quê hương, nhưng lòng vẫn luôn canh cánh nhớ về cố quốc. Ông đã đặt tên cho con gái mình sinh trên đất Mỹ là "Mã Ức Hoa" (Cô gái họ Mã luôn nhớ về đất nước Trung Hoa) và đặt tên cho quán cơm Tàu của mình là "Kinh hoan", "Thiên Kiều" để gửi gắm tình cảm "nhớ nhung nước cũ ngàn năm".
Trước khi sang Mỹ, Đường Nạp từng có một cuộc hôn nhân tạm bợ với ngôi sao màn bạc Thượng Hải Trần Lộ và sinh hạ một con gái đặt tên là Hồng Nhi. Mãi sau cuộc tao loạn "văn cách" (chỉ 10 năm cách mạng văn hóa 1966-1976) khi ông về thăm lại con gái tại Vũ Hán, mới hay tin Trần Lộ trong "văn cách" bị chụp mũ phần tử phản cách mạng, với tội danh là: "Công kích thủ trưởng trung ương". Mà nguyên nhân đích thực là Trần Lộ biết quá rành về mối quan hệ xưa giữa Giang Thanh với Đường Nạp.
Nghe xong, Đường Nạp lòng quặn đau thương cảm, khẽ thở dài, nói với con gái: "May cho cha sống ở nước ngoài, nếu không Giang Thanh cũng đẩy cha vào chỗ chết rồi!".
Ngày 23/8/1988, Đường Nạp qua đời bởi căn bệnh ung thư, hưởng thọ 74 tuổi. Trước lúc lâm chung, ông già họ Đường vẫn cố chống tay cất đầu dậy, nghiến răng nói trong hơi tàn: "Giang Thanh... Giang Thanh đã hại nửa đời ta..."