Giang Thanh từng khiến Tống Khánh Linh “sống dở, chết dở” thế nào?

Tiến Cử Thứ ba, ngày 26/01/2021 06:30 AM (GMT+7)
Sau khi đọc thư, biết rõ sự nguy hiểm đang rình rập Tống Khánh Linh, Thủ tướng Chu Ân Lai ngay lập tức đưa ra 2 quyết định: một là tăng cường bảo vệ ngôi nhà mà Tống Khánh Linh đang ở. Hai là để tránh hậu họa, cho gọi “S đồng chí” tới cơ quan bảo vệ của chính phủ.
Bình luận 0

Sau ngày cách mạng Trung Quốc thành công, năm 1949, Tống Khánh Linh đã giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ nước CHND Trung Hoa: Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Ủy ban Chính trị hiệp thương toàn quốc (tức Mặt trận Tổ quốc). Bà là một nhân sĩ có uy tín rất lớn đối với nhân dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ cuối năm 1965, khi Cách mạng văn hóa (CMVH) nổ ra thì Tống Khánh Linh cũng như nhiều vị nhân sĩ, trí thức khác đều không thoát khỏi sự tấn công của "bè lũ bốn tên": Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên, những kẻ thao túng cuộc "cách mạng" này.

Giang Thanh từng khiến Tống Khánh Linh “sống dở, chết dở” thế nào? - Ảnh 1.

Giang Thanh từng làm mọi cách để chèn ép Tống Khánh Linh.

Riêng với Tống Khánh Linh thì Giang Thanh tỏ ra "ưu ái" đặc biệt. Sở dĩ như vậy vì theo công luận thì Giang luôn ghen tị với Tống. Giang cho rằng mình đường đường là một "đệ nhất phu nhân", nhưng trong con mắt của người Trung Quốc "Giang không là gì", lại càng không thể so sánh với Tống Khánh Linh trên tất cả mọi phương diện. Vì thế, khi có được quyền hành trong tay, lập tức Giang tìm cách "xóa bỏ hình ảnh" Tống Khánh Linh.

Vẫn với khẩu hiệu "đánh đổ tàn dư của giai cấp tư sản", "cách mạng tức là "cách cái mạng" của bè lũ tư sản", bắt đầu từ mùa hạ năm 1966 theo sự xúi giục của Giang Thanh, Hồng vệ binh và "phái tạo phản" đã kéo tới bao vây nơi ở của Tống Khánh Linh và gia đình tại Bắc Kinh.

Âm mưu của chúng là sẽ tìm cách mang Tống Khánh Linh ra "đấu tố", (một chiêu thức chúng thường sử dụng đối với các cán bộ lão thành và các nhân sĩ yêu nước).

Biết được tin này, Thủ tướng Chu Ân Lai rất phẫn nộ, nhưng cũng chỉ có thể phái một trung đội cảnh vệ chia làm 3 ca, ngày đêm liên tục tuần tiễu quanh nhà của Tống Khánh Linh để giữ gìn an ninh, ngăn chặn đám Hồng vệ binh và "phái tạo phản" làm càn.

Về phần mình, Tống Khánh Linh cũng lệnh cho người phụ trách việc bảo vệ khu nhà là Tùy Học Phương đóng chặt cửa ra vào chính, chỉ để chừa lại một cửa nhỏ thông sang Bộ Y tế để tiện việc quan sát.

Nhưng tất cả những cố gắng trên đều không thể giữ được sự yên bình cho khu nhà của Tống Khánh Linh: đội cảnh vệ tuần tiễu bên ngoài và những nhân viên bảo vệ bên trong chỉ có thể ngăn cản sự xâm nhập của đám Hồng vệ binh và lũ "tạo phản" chứ không thể ngăn được tiếng thanh la não bạt, tiếng hò hét suốt ngày đêm của chúng.

Không những thế, ngày này qua ngày khác, rất nhiều "tiểu tướng Hồng vệ binh" còn liên tục gửi cho Tống Khánh Linh các bức thư, mà nội dung hầu như đều giống nhau: "Mạnh mẽ yêu cầu bà Tống không được treo những tranh ảnh, lưu giữ những đồ gốm sứ, mặc những bộ quần áo v.v... của giai cấp tư sản!".

Cứ mỗi lần phải xem những bức thư mà chữ viết còn quá non nớt, Tống Khánh Linh lại buồn bã lắc đầu. Bà thở dài và nói với những người xung quanh: "Trời ơi! Các cháu học sinh nó có biết gì đâu. Bọn họ không nên làm hại lũ trẻ như vậy". "Bọn họ" ở đây đã bao hàm ý nghĩa phê phán những kẻ lợi dụng tình hình, kích động thanh niên để "thừa gió bẻ măng" với dã tâm đen tối.

Sau một thời gian "bị khủng bố", bỗng một hôm Khánh Linh và những người trong gia đình thấy xung quanh im ắng khác thường. Mọi người chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì chợt ngoài cửa chính vang lên tiếng còi ô tô. Tống Khánh Linh lệnh cho Tùy Học Phương ra mở cửa. Người xuống xe và tiến vào nhà lại chính là Giang Thanh!

Với bộ đồ quân phục, tay cầm sách đỏ "Mao Chủ tịch ngữ lục", Giang cùng đám tùy tùng "hùng dũng" vào phòng khách. Chào hỏi được vài câu, Giang Thanh bắt đầu thao thao bất tuyệt giảng giải về "ý nghĩa vĩ đại của cách mạng văn hóa, về sự cần thiết phải phản tỉnh...". Tống Khánh Linh ngồi im lặng và nhìn vị "cộng hòa quốc đệ nhất phu nhân". Trên khuôn mặt Khánh Linh phảng phất một nụ cười bao dung.

Thấy Giang cứ thao thao bất tuyệt mãi không thôi, Khánh Linh mỉm cười và cắt ngang: "Nên khống chế bớt những hành động vô lối của đám Hồng vệ binh cũng như của đám "tạo phản", không nên dùng vũ lực, lại càng không nên hại người một cách tràn lan". Giang Thanh mất hứng, mặt xị ra vì ngượng và tức, đứng dậy bỏ về.

Tống Khánh Linh đúng là "chưa nhìn thấy hết thực chất con người Giang Thanh" và sau đó bà đã "lãnh đủ" sự trả thù của Giang.

Ấy là vào buổi tối ngày 29/8/1966, Tống Khánh Linh đã nhận được tin dữ từ Thượng Hải với khẩu hiệu "xóa bỏ mộ phần của giai cấp tư sản cũng như của chế độ cũ, Hồng vệ binh tại Thượng Hải đang thực hiện việc đào bới và đập phá khu mộ "vạn quốc công" ở đây.

Mà bố mẹ của Tống Khánh Linh lại là bố mẹ vợ của Tưởng Giới Thạch (Tống Mỹ Linh, em ruột Tống Khánh Linh là vợ Tưởng Giới Thạch). Vì thế mộ phần của họ Tống cũng không thoát khỏi sự tàn phá: Hồng vệ binh đã đào bật quan tài, vứt cả xương cốt ra ngoài".

Với tâm trạng vô cùng phẫn nộ, ngay trong đêm Tống Khánh Linh đã viết thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai, báo cáo lại sự việc. Vào sáng sớm 30/9, Tùy Học Phương nhận nhiệm vụ mang thư đi. Phải rất mưu mẹo và tốn nhiều công sức Tùy mới vượt được vòng vây của Hồng vệ binh và tới Tây Hoa sảnh trong Trung Nam Hải để đưa bức thư tận tay Thủ tướng Chu Ân Lai. Sau khi nhận được thư, Thủ tướng Chu Ân Lai đã lập tức gọi điện khẩn cấp tới chính quyền ở Thượng Hải, hạ lệnh phải "ngay lập tức khôi phục lại nguyên trạng mộ phần của tổ tiên và gia đình Phó ủy viên trưởng Tống Khánh Linh, đồng thời phải có sự bảo vệ chu đáo, không được tái diễn sự việc".

Mặt khác, Thủ tướng cũng đích thân lập một danh sách "những người không được phép đấu tố", trong đó có Quách Mạt Nhược, Hoa La Canh... Tên của Tống Khánh Linh đứng đầu tiên trong danh sách ấy.

Lúc này, chính quyền thành phố Thượng Hải nằm trong tay "phái tạo phản", đứng đầu là Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên, đều là "những người bạn chiến đấu thân thiết của Giang Thanh".

Mặc dù không muốn, nhưng bọn chúng vẫn sợ uy của Thủ tướng nên không thể không chấp hành lệnh, trùng tu lại khu mộ phần của họ Tống. Tuy nhiên, những tấm bia ở các mộ làm sẵn mang tên anh em, họ hàng nhà họ Tống  thì đều bị chúng đập tan tành.

Nhưng sự việc không dừng ở đó. Vào ngày mồng 2 tết Nguyên đán năm 1967, tai họa giáng xuống đầu Tùy Học Phương, người vệ sĩ gần gũi và trung thành của Tống Khánh Linh. Sự việc xảy ra vào hôm Tùy từ Bắc Kinh về Thượng Hải với mục đích kiểm tra tình hình mộ phần họ Tống. Một "lãnh tụ" Hồng vệ binh thuộc cơ quan cảnh vệ Thượng Hải đã mời Tùy đi uống rượu.

Kết quả là sau đó Tùy đã bị "trúng gió" dẫn tới "bán thân bất toại", hoàn toàn sống một cuộc đời thực vật ở tuổi 38. Người ta giải thích với Tống Khánh Linh rằng, "Tùy Học Phương bị xuất huyết não vì lượng cồn trong máu vượt quá mức cho phép". Với lý do "chữa bệnh lâu dài", người ta không cho Tùy được quay lại Bắc Kinh. Từ đó, Tống Khánh Linh không bao giờ còn được gặp lại Tùy Học Phương nữa!

Không còn nhân viên bảo vệ, buộc Tống Khánh Linh phải báo cáo sự việc với Cục Bảo vệ thuộc Ủy ban Thường vụ Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc. Mấy ngày sau, người ta đã phái tới nhà Tống Khánh Linh một vị "bảo vệ kiêm thư ký" 40 tuổi, có mật danh là "S đồng chí". Sau này có nhiều nguồn tin cho rằng "S đồng chí"  là mật vụ của Giang Thanh.

Lúc này, cuộc "đại cách mạng văn hóa" ngày một dữ dội. Hầu như suốt ngày đêm trước cửa nhà Tống Khánh Linh đều ầm ĩ những tiếng hô "đả đảo", cộng với tiếng thanh la, não bạt của các phái tạo phản và Hồng vệ binh. Sở dĩ chúng chưa dám xông vào bắt Khánh Linh đi "đấu tố" vì đã có lệnh từ Thủ tướng Chu Ân Lai.

Tuy nhiên, chúng vẫn tìm đủ mọi cách để "đánh đổ" bà. Bà vốn bị bệnh mất ngủ ngay cả khi xung quanh được giữ yên tĩnh, nên sức khỏe giảm. Còn bây giờ thì khỏi phải nói, bà không tài nào chợp mắt được. Cực chẳng đã bà Yêu cầu "S đồng chí" với chức trách là nhân viên bảo vệ, hãy ra bên ngoài nói chuyện với những người vây quanh nhà, thuyết phục họ giữ trật tự chung".

Nhưng không thể ngờ được rằng "S đồng chí" đã gọi Tống Khánh Linh là "phần tử hữu phái", và không chấp hành lệnh. Hơn nữa, kể từ sau khi "S đồng chí" xuất hiện trong nhà, một số người phục vụ vốn xưa nay hiền lành, chăm chỉ làm việc bỗng "giở chứng", cũng đòi "tạo phản", đòi  "đánh đổ giai cấp tư sản".

Tai họa lại tiếp tai họa. Một hôm, khu nhà từ đường nằm ở phía sau nhà của bà Tống Khánh Linh bỗng nhiên bốc cháy dữ dội. Khi ô tô cứu hỏa tới nơi thì khu nhà chỉ còn lại đống tro tàn đổ nát. Bao nhiêu bức tranh quý, những hoành phi câu đối, đồ gốm sứ v.v... đều làm mồi cho lửa hoặc đổ vỡ tan hoang.

Cái gì còn sót thì "S đồng chí" cho mang hết xuống nhà bếp, hỏa thiêu vì đó là những thứ "tàn dư của giai cấp tư sản". Sau đó họ có cho sang sửa lại ngôi nhà, nhưng "S đồng chí" đã cho treo la liệt những bức ảnh của Mao Chủ tịch tiếp kiến Hồng vệ binh, trên các giá sách thì xếp đầy những "Mao Trạch Đông tuyển tập", "Mao Chủ  tịch ngữ lục" v.v...

Đến ngay cả mấy chú chim bồ câu, loài chim mà Tống Khánh Linh ưa thích nhất cũng bị "S đồng chí" đe: "Nếu bà không tự xử lý chúng, thì chúng tôi sẽ mang chúng đem ra nướng hết!".

Trong suốt thời kỳ này những người trong nhà không bao giờ còn nghe thấy tiếng đàn dương cầm của Tống Khánh Linh nữa, cũng không bao giờ nhìn thấy bóng dáng bà dạo ngoài vườn. Rất nhiều chiếc đĩa hát, trong đó có những bài mà Tống Khánh Linh rất thích như "Con bướm đáng thương", "Chúc ngủ ngon", "Khi chúng ta còn trẻ", "Vũ khúc của người quả phụ"..., bà cũng phải giấu hết xuống gầm giường.

Sự tự tung tự tác của "S đồng chí" ngày một quá đáng khiến Tống Khánh Linh không thể chịu đựng nổi. Bà lại đành phải viết một bức thư riêng cho Thủ tướng Chu Ân Lai, trình bày những ngang trái mà mình đang phải chịu đựng.

Để đảm bảo lá thư không bị rơi vào tay "S đồng chí", bà đã giao cho người nữ giúp việc trung thành là Lý Yến Nga tìm cách lọt ra ngoài để chuyển tới Tây Hoa sảnh. Không phụ sự tin tưởng của bà, Lý Yến Nga đã rất khôn khéo vượt qua sự soi mói của "S đồng chí" và vòng vây của Hồng vệ binh để đưa được bức thư tới tận tay Thủ tướng Chu Ân Lai.

Sau khi đọc thư, biết rõ sự nguy hiểm đang rình rập Tống Khánh Linh, Thủ tướng ngay lập tức đưa ra 2 quyết định: một là tăng cường bảo vệ ngôi nhà mà Tống Khánh Linh đang ở.

Ngoài lực lượng cảnh vệ được Chính phủ phái tới, thì Bộ Công an, Sở Công an Bắc Kinh, đồn Công an địa phương phải kết hợp chặt chẽ để bảo vệ, quyết không được cho bất kỳ kẻ nào gây ra những điều đáng tiếc đối với Tống Khánh Linh. Hai là để tránh hậu họa, cho gọi "S đồng chí" tới cơ quan bảo vệ của chính phủ để nói cho ông ta biết những việc làm sai trái cần chấm dứt.

Thủ tướng còn ra lệnh lập một đường điện thoại riêng cho nhà bà Tống.

Ngày 4/5/1967, bà Đặng Dĩnh Siêu căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai đã gọi liền 2 cuộc điện thoại tới nhà Tống Khánh Linh.

Cuộc gọi thứ nhất bà Đặng đã chuyển lời hỏi thăm và sự thông cảm của Thủ tướng tới Tống Khánh Linh, còn cuộc gọi thứ hai được gọi trực tiếp tới phòng của "bí thư kiêm cảnh vệ S đồng chí".

Với lời lẽ ngắn gọn, rõ ràng, bà Đặng truyền đạt mệnh lệnh của Thủ tướng yêu cầu "S đồng chí" phải lập tức có mặt tại Tây Hoa sảnh.

Khi gặp Đặng Dĩnh Siêu tại Tây Hoa sảnh, "S đồng chí" đã hứa tới hứa lui rằng "sẽ không dám làm điều gì sai trái", rằng sẽ "một lòng một dạ bảo vệ an ninh, giữ gìn sự bình an" cho "Tống Phó ủy viên trưởng".

Tuy nhiên, tất cả những lời hứa đó của "S đồng chí" chỉ là sự giảo trá. Quay lại nhà Tống, suốt một năm trời sau đó, "S đồng chí" trở nên điên cuồng tới mức "nhân chí nghĩa tận", không còn tình người, khiến cuộc sống của Tống Khánh Linh và những người trong gia đình luôn bị đặt trong trạng thái bất an. Sự  nguy hiểm về tính mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không còn cách nào khác, bà Tống lại phải mật báo những nguy hiểm đang rình rập bà và những người thân cho Thủ tướng Chu Ân Lai.

Thế là hôm đó "S đồng chí" đang dương dương tự đắc đi vào phòng làm việc (trong khuôn viên nhà bà Tống), thì bỗng nhiên có hai nhân viên cảnh vệ mặc thường phục xuất hiện. Họ lập tức tước khẩu súng ngắn và còng hai tay "S đồng chí" ra phía sau, khiến "S đồng chí" chỉ kịp kêu lên: "Các anh làm cái gì vậy?".

Một trong hai cảnh vệ cho "S đồng chí" biết: "Theo lệnh cấp trên, cùng với việc áp dụng biện pháp đặc biệt đối với anh, chúng tôi còn có trách nhiệm cho anh biết 2 việc: một là bắt đầu từ hôm nay anh bị đình chỉ nhiệm vụ "thư ký kiêm cảnh vệ" của Tống Phó ủy viên trưởng, hai là anh phải lập tức rời khỏi đây để đến Cục Bảo vệ tường trình về những việc anh đã gây ra trong suốt thời gian vừa qua".

Nghe xong những lời nghiêm khắc đó, mặt mày "S đồng chí"  tái dại, cúi đầu đi theo sự áp giải của 2 chiến sĩ cảnh vệ.

Tiếp đó, một số tay chân của "S đồng chí" núp dưới chức danh "nhân viên bảo vệ" cũng bị sa thải. Bà Tống đã cùng một số nhân viên do Văn phòng Thủ tướng phái tới đã thiết lập lại trật tự trong khuôn viên ngôi nhà. Từ đó, cuộc sống của Tống Khánh Linh và những người trong gia đình mới tạm yên ổn.

Sau này, một số nguồn tin cho biết, Giang Thanh đã tỏ ra rất tức tối vì đã "không đánh đổ được Tống Khánh Linh, phần tử đại diện của giai cấp tư sản còn sót lại" để thỏa mối đố kị cá nhân.

Tuy nhiên, Giang Thanh cũng không dám ra mặt "cứu giúp S đồng chí" vì một phần Giang Thanh cũng sợ dư luận, một phần sợ uy của Thủ tướng Chu Ân Lai.

Hơn nữa, danh tiếng của Tống Khánh Linh cũng không cho phép Giang Thanh dám tiếp tục dùng những chiêu thức tàn độc để hãm hại bà. Nhưng dù sao, với chiêu bài "đại cách mạng văn hóa vạn tuế", Giang Thanh đã gây cho Tống Khánh Linh không ít sự đau khổ cũng như những mối hiểm nguy.

Nếu như không có sự bảo vệ của Thủ tướng Chu Ân Lai thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra như đã từng xảy ra với rất nhiều người nổi tiếng trong cái thời "đệ nhất phu nhân Giang Thanh" làm mưa làm gió trên chính trường!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem