Những người đẹp Banyankole tại một đám cưới. (Ảnh: Maravipost)
Trong văn hóa truyền thống của khá nhiều bộ tộc ở châu Phi, vai trò của người cô (hoặc dì) khá quan trọng với cháu gái, bởi họ đảm trách việc khuyên bảo, kèm cặp các bé gái từ tuổi vị thành niên đến khi trưởng thành. Nhất là luyện kỹ năng đối phó với những thử thách đang chờ đón trước khi bước vào hôn nhân cho các cô dâu tương lai.
Bộ tộc Banyankole ở Uganda thậm chí còn trao nhiều quyền hạn giám sát hơn cho những người cô (dì) trong gia đình, đặc biệt là trong đám cưới để đảm bảo một cuộc hôn nhân viên mãn cho đôi trẻ.
Cô (dì) của các gia đình Banyankole rất có quyền lực trong đám cưới cháu gái. (Ảnh: Maravipost)
Từ phía nhà gái, cô (dì) cần "kiểm tra" để chắc chắn cháu gái mình còn trinh tiết. Với nhà trai, đôi khi người cô (dì) này còn được yêu cầu "quan hệ" trước với chủ rể để "test" (thử) năng lực đàn ông cả về sức mạnh và sự trong trắng.
Một số nơi có tục lệ những cô (dì) quyền lực này còn đi xa hơn nữa, tới mức giám sát và lắng nghe xem trong đêm tân hôn cô dâu, chú rể "động phòng" có ổn không.
Tập tục đó giờ đã quá lỗi thời, song nó cũng cho thấy cư dân bộ tộc Banyankole nhất là nhánh người Bahima chuyên chăn nuôi gia súc, coi trọng việc gìn giữ trinh tiết cho cô dâu trước khi cưới nói riêng và sức khỏe sinh sản lưu truyền nòi giống nói chung như thế nào.
Vẻ đẹp mũm mĩm truyền thống của các cô gái Banyankole. (Ảnh: doyouknow.home.blog)
Theo đó, kể từ khi lên 8 tuổi, các bé gái bộ tộc Banyankole bắt đầu phải chịu nhiều hạn chế để chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân tương lai.
Các bé gái sẽ không còn được chạy nhảy vui chơi bên ngoài cùng chúng bạn như trước nữa, mà bị cha mẹ giữ ở trong nhà và liên tục vỗ béo con bằng cháo kê, thịt bò, ép uống nhiều sữa. Bởi bộ tộc Banyankole cho rằng béo đồng nghĩa với đẹp.
Khi ngực bắt đầu phát triển, các bé gái càng bị cha mẹ giám sát chặt chẽ để con tránh xa các hoạt động có thể gây dậy thì sớm.
Tiệc cưới tại nhà trai diễn ra sau khi cô dâu và chú rể đều đã vượt qua phép thử năng lực và trinh tiết. (Ảnh: Maravipost)
Trong gia đình bộ tộc Banyankole nếu có cả con trai và con gái thì người cha phải lo làm lụng kiếm tiền vừa chuẩn bị hồi môn cho con gái, vừa lo tìm vợ và chuẩn bị tiền sinh lễ hỏi vợ cho con trai. Cụ thể là cần có một số bò, dê và mua sẵn những thùng bia (nhiều hay ít thể hiện gia đình giàu có hay nghèo khó).
Thường thì hôn lễ giữa một cặp đôi trẻ sẽ diễn ra sau khi nghi thức trả tiền sính lễ cho cô dâu đã được nhà trai trao cho nhà gái. Sau đó nhà gái sẽ mổ một con bò đực làm cỗ cưới. Còn tiệc tại nhà trai sẽ diễn ra sau khi đám cưới đã hoàn tất, nghĩa là đã có sự khẳng định của người dì (cô) quyền lực khẳng định đã hoàn thành phép thử năng lực của chú rể và trinh tiết của cô dâu.
Vũ điệu đón chào khách tới dự đám cưới của bộ lạc Banyankole. (Ảnh: mywedding.co.ug)