Nghề chính là… Giám đốc
Thực tế Đào Đặng Công Trung (SN 1979) hiện là Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ du lịch Trung Hà Thanh - Danang Ocean Tour, thế nhưng người ta thường gặp anh khi đang rong ruổi khắp các ngõ ngách của bán đảo Sơn Trà để nhặt rác. Với làn da rám nắng cùng chiếc áo thun, quần lửng, đi cùng là chiếc xe máy cũ, lỉnh kỉnh hàng đống túi rác, trông anh giống một nhân viên môi trường hơn là ông Giám đốc.
Trung quê gốc ở Hội An (Quảng Nam) nhưng đã "phải lòng" Sơn Trà hơn chục năm nay. Yêu thương từng con cá, ngọn cỏ ở Sơn Trà, hàng ngày phải chứng kiến bán đảo này phải "oằn mình" gánh chịu đủ loại rác thải, từ vỏ lon, hộp nhựa, nylon, anh quyết định… đi nhặt rác để làm sạch môi trường.
"Nhiều lúc mình cũng thấy nản vì lượng rác thải xả bừa bãi ngày càng nhiều. Nhưng nghĩ lại thì vẫn vui, rồi hành động của mình sẽ được lan tỏa, từ trong nhà ra ngoài đường, đến toàn xã hội, môi trường sẽ được sạch".
Anh Đào Đặng Công Trung
Trung bình mỗi tuần anh Trung lên Sơn Trà 2-3 lần, có lần đi cùng bạn, đa số đi một mình. Không lần nào anh về tay không, ít nhất 10kg, nhiều thì 30kg rác. Anh Trung kể, có thời gian, vì bận việc nên ít lên, rác nhiều đến khó thở. Thế là, gần 10 năm nay, sau những công việc bận rộn ở công ty và chăm lo cho gia đình, Trung đều dành thời gian đi nhặt rác ở quanh bán đảo này từ trên bờ xuống dưới nước.
"Những hôm trời nắng, tôi đi nhặt vào buổi chiều, xuống núi thì trời vẫn còn sáng. Có những hôm mưa gió, nhặt xong xuống núi thì trời đã tối đen, mây giăng kín, nguy hiểm, nhưng Sơn Trà với tôi như nhà nên không có chút sợ hãi nào. Mọi ngóc ngách trên Sơn Trà, tôi đều thuộc như lòng bàn tay, từ những ổ gà, những khúc cua, ở khúc cua đó có cây gì... tôi đều biết" - anh Trung chia sẻ.
Anh bảo rằng, đại dương không có rác, thế nhưng, chỉ vì ý thức của nhiều người quá kém nên đã làm mất đi vẻ đẹp thanh sạch vốn dĩ. Anh Trung cho biết, lặn một hơi, tầm 5 - 7m nước nhưng cũng chỉ nhặt được 2 - 3 vỏ lon. Nếu gặp nơi nhiều rác quá mà "ham rác", "say rác" và không lường được con nước để trồi lên, thì rất nguy hiểm. Không những thế, dưới đáy biển cũng có nhiều sinh vật có độc như cá mặt quỷ. Nếu chạm cá này sẽ bị trúng độc, bị nặng sẽ bất tỉnh. Với kinh nghiệm nhiều năm lặn biển vớt rác của mình, anh Trung chưa bị con vật nào tấn công, nhưng bị trầy xước cơ thể thì nhiều, do bị sóng dập, chân va rạn đá ngầm...
Lan tỏa ý thức sống xanh
Lúc đầu đi nhặt rác, anh em bạn bè cũng chê anh Trung là gàn dở. Rồi cũng có khi vừa nhặt sạch chưa rời đi thì tại vị trí đó lại vương vãi túi nylon, chai nhựa từ những người ý thức kém. Những lần như vậy đều không làm anh nhụt chí, đơn giản chỉ vì mong muốn Sơn Trà mãi xanh.
"Mưa dầm thấm lâu", nhiều bạn trẻ thông qua mạng xã hội đã biết đến công việc của anh Trung nên cứ cuối tuần rảo quanh các rạn san hô để thu gom rác thải, chung tay làm sạch Sơn Trà. Họ đi thành từng nhóm "phượt" dưới nước, vừa lặn vừa nhặt rất nhiều rác thải mang vào bờ...
Nguyễn Hải Đăng dù chỉ mới học lớp 8 cũng đã theo anh Trung lặn biển vớt rác được vài tuần nay. "Dưới đáy biển rất nhiều rác thải, từ ngư lưới cụ đến vỏ lon, chai nhựa, bủa vây san hô và nhiều sinh vật biển khác. Em muốn cùng anh Trung nhặt rác làm sạch Sơn Trà, giải cứu sinh vật biển" - Hải Đăng chia sẻ.
Anh Trung cho biết, Sơn Trà có quần thể động, thực vật rất phong phú nhưng cũng rất mong manh. Để bảo vệ sự đa dạng và phong phú của bán đảo Sơn Trà - hòn ngọc quý giá của miền Trung thì môi trường phải sạch.
"Nhiều lúc mình cũng thấy nản vì lượng rác thải xả bừa bãi ngày càng nhiều. Nhưng nghĩ lại thì vẫn vui, rồi hành động của mình sẽ được lan tỏa, từ trong nhà ra ngoài đường, đến toàn xã hội, môi trường sẽ được sạch. Nếu mình không làm bây giờ thì câu chuyện rác sẽ là muôn đời" - anh Trung nhắn gửi.