Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) đã khởi công vào ngày 5/1/2021 và được đánh giá là công trình xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm gia. Đặc biệt, sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua cả chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi. Đây cũng là công trình nhận được sự quan tâm sâu sát của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các chỉ đạo quyết liệt để triển khai.
Giai đoạn 1: Sân bay Long Thành có 1 đường cất hạ cánh có chiều dài đạt tiêu chuẩn quốc tế mới nhất 4.000m, chiều rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm với tổng diện tích sàn 373.000m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 109.111,7 tỷ đồng (tương đương 4.664,89 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Sân bay Long Thành khi hoàn thành sẽ đóng vai trò cảng trung chuyển hàng không trong nước và quốc tế. Tại đây sẽ là khu trung tâm dịch vụ hàng không trên quốc tế với nhiều dịch vụ như cung ứng xăng dầu, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa máy bay... cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn Hansen Partnership (Australia) thì sân bay Long Thành sẽ đóng góp được 3 - 5% GDP cả nước.
Ngoài những hạng mục nêu trên, thì các hạng mục cung cấp dịch vụ như: Cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không vẫn chưa có đơn vị tham gia đầu tư xây dựng.
Do đó, hãng hàng không Vietnam Airlines đã báo cáo Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để đầu tư các hạng mục cung cấp dịch vụ này. Tổng mức đầu tư các dịch vụ này của Vietnam Airlines tại sân bay Long Thành lên tới hơn 9.900 tỷ đồng, trong đó dự kiến 30% là nguồn vốn chủ sở hữu và 70% còn lại từ vốn vay.
Lý giải về việc đầu tư này, Vietnam Airlines cho biết, việc đầu tư nhằm đảm bảo cung ứng dịch vụ đồng bộ cho hoạt động vận tải hàng không của hãng cũng như các hãng hàng không khác trong khu vực.
Các dịch vụ được Vietnam Airlines đề cập gồm: Cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không; Vietnam Airlines tổ chức hoạt động kinh doanh và phục vụ hành khách tại nhà ga như dịch vụ phòng chờ cho hành khách, bán hàng miễn thuế và các dịch vụ hàng không khác.
Vietnam Airlines đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đối với Vietnam Airlines và các đơn vị trong Vietnam Airlines Group có đủ cơ sở hạ tầng và mặt bằng để khai thác tại nhà ga hành khách, đáp ứng yêu cầu khai thác và nhu cầu phát triển; xem xét bố trí nhà ga/cánh nhà ga riêng cho Vietnam Airlines…
Nếu được chấp thuận, Vietnam Airlines xin được bố trí ngay vị trí đất để triển khai đầu tư sớm hạng mục xây dựng hangar bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau khi được chấp thuận chủ trương, Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên sẽ lập các đề án, dự án đầu tư cụ thể trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tuy nhiên, để được đầu tư lớn vào sân bay Long Thành, Vietnam Airlines cần phải thực hiện đầy đủ các bước theo Nghị định 05 thay thế Nghị định 102 về Quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay, có hiệu lực từ ngày 10/3 tới, cũng như Quyết định phê duyệt dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Thủ tướng, sẽ tổ chức đấu thầu tất cả dịch vụ hàng không, phi hàng không. Điều này để đảm bảo công bằng với mọi đối tượng xã hội, không ngăn cản gia nhập thị trường.
Hiện Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam xây dựng Thông tư về đấu thầu, nhượng quyền cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không. Do đó, muốn đầu tư vào sân bay Long Thành, Vietnam Airlines sẽ phải tham gia đấu thầu để đảm bảo công bằng, công khai minh bạch.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn, sớm trình Bộ GTVT phương án để lựa chọn nhà đầu tư các hạng mục dịch vụ tại dự án sân bay Long Thành. Đồng thời, Cục Hàng không khẳng định: Các hạng mục dịch vụ hàng không chắc chắn sẽ phải qua đấu thầu. Nghị định 05 của Chính phủ chỉ ưu tiên nhà khai thác cảng có quyền và trách nhiệm đầu tư đồng bộ hạ tầng sân bay.
Trước đó, để "cứu" Vietnam Airlines thoái ra khỏi những do khăn do dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 194 về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Số tiền tái cấp vốn tối đa không quá 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%. Thời hạn tái cấp vốn tối đa không quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn hai lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn.
Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm. Thời gian giải ngân tái cấp vốn không muộn hơn ngày 31/12/2021.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chấp thuận cho Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ đồng thời giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines.
Theo báo cáo tài chính năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 40.612 tỷ đồng, giảm 59% so với năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, doanh thu tài chính giảm mạnh và các chi phí neo ở mức cao, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hợp nhất hơn 11.097 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp đứng ở mức 56.826 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ còn 1/3 so với cuối năm 2019, xuống 6.140 tỷ đồng do bị khoản lỗ lũy kế bào mòn.
Với năng lực tài chính hiện tại, Vietnam Airlines sẽ vay ở đâu gần 10.000 tỷ đồng để đầu tư vào sân bay Long Thành?
Tại Đại hội cổ đông bất thường của Vietnam Airlines diễn ra hồi cuối tháng 12/2020, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết: Đến cuối tháng 12/2020, doanh thu hợp nhất năm 2020 của TCTHKVN ước đạt hơn 42,5 nghìn tỷ đồng, trong đó công ty mẹ ước đạt hơn 32,9 nghìn tỷ đồng, đều vượt so với kế hoạch, lần lượt là 1.937 tỷ đồng (4,8%) và 448 tỷ đồng (1,4%).
Số lỗ hợp nhất dự kiến mức hơn 14,4 nghìn tỷ đồng, trong đó số lỗ của Công ty Mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, giảm lỗ 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch.
Mức lỗ sẽ giảm thêm khoảng hơn 2.800 tỷ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.