Đặt chân đến mảnh đất Cẩm Nhượng, Thạch Hải, Cương Gián (Hà Tĩnh) sẽ cảm nhận mùi thơm nhè nhẹ tỏa ra từ những chum nước mắm hòa quyện vào trong gió, làm nên đặc trưng của những vùng đất này.
Vốn nổi tiếng thơm ngon, an toàn trong cách chọn nguyên liệu, kỹ thuật chế biến gia truyền, nước mắm Thạch Hải luôn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, hoạt động mua bán diễn ra quanh năm.
Chị Trần Thị Nguyệt, SN 19732 (20 năm làm nghề nước mắm) trú tại thôn Đại Hải, xã Thạch Hải, chia sẻ: "Gia đình tôi hiện muối 6,7 tấn nước mắm theo phương pháp truyền thống. Trước đây, tôi thường tham gia các buổi tập huấn để học hỏi cách làm nước mắm thơm ngon và được cấp bằng chứng chỉ.
Clip: Nước mắm sản xuất truyền thống ở Hà Tĩnh được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để nước mắm thơm ngon phải chọn những loại cá tươi, muối theo tỉ lệ 1 yến cá phải dùng 2,5 kg muối trắng, ngoài ra để tăng thêm độ thơm tôi sẽ cho thêm dứa".
Ở thôn xã Thạch Hải hầu hết người dân đều tự sản xuất nước mắm để sử dụng trong gia đình, làm quà biếu, tặng và sản xuất theo hướng hàng hóa, cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nước mắm được ủ hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống, không sử dụng chất bảo quản nêm nước mắm ở đây có mùi thơm nồng.
Bà Trần Thị Hường (hơn 5 năm làm nước mắm), trú tại xã Thạch Hà, cho biết: "Cá sau khi đưa về phải được rửa sạch bằng nước biển, mới tăng thêm độ mặn cho cá, khi ủ sẽ không bị hư. Để có được những chai nước mắm thơm, ngon, có màu đỏ đậm thì phải ủ ít nhất là 1 đến 2 năm. Cá càng ủ lâu càng ngon, mỗi lần tôi phải thu mua hơn 1 tấm cá, để ủ theo từng đợt".
"Mỗi chum nước mắm được lọc 2 lần và cho 2 loại mắm khác nhau, loại 1 là nước mắm cốt, sau khi đã lấy hết nước mắm cốt thì chúng tôi sẽ đun sôi nước muối và để nguội rồi đổ vào chum, ủ thêm từ 6 – 7 tháng nữa "- bà Hường bật mí.
Hiện nay loại 1 được bán ra thị trường với giá từ 90.000 - 110.000 đồng/1 lít; nước mắm loại 2 có giá rẻ hơn từ 40.000 - 85.000 đồng/1 lít.
Để khử mùi tanh và giảm bớt mùi nồng của nước mắm ngoài việc bỏ thêm dứa thì gia đình bà Nguyễn Thị Hoa đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, để dẫn nhiệt trực tiếp vào chum.
"Gia đình tôi làm hơn 10 tấn nước mắm, thị trường tiêu thụ trong tỉnh, các tỉnh lân cận như: Nghệ An, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh. Mỗi năm sau khi trừ hết các chi phí thì gia đình tôi thu lại hơn 500 triệu đồng" – Bà Hoa chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hằng trú tại Bắc Lạc - Thạch Lạc, Thạch Hà cũng là một trong những hộ có số lượng nước mắm nhiều trên đại bàn xã. "Gia đình tôi đã làm nước mắm hơn 30 năm. Mỗi năm thu về 700 lít nước mắm. Ngư dân luôn đến tận nhà bán cá, nên nước mắm của tôi luôn sử dụng cá cơm tươi. Mỗi năm trừ hết chi phí gia đình tôi thu gần 100 triệu".
Trao đổi với PV Dân Việt, Ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, cho biết: "Hiện tại, trên địa bàn hầu hết các người dân đều làm nước mắm, nhưng với số lượng nhiều thì chỉ có hơn 50 hộ. Trong năm nay, xã Thạch Hải đang hướng tới là xây dựng làng nghề truyền thống và đặc biệt tạo thương hiệu cho nước mắm đạt OCOP 3 sao trở lên. Chất lượng nước mắm Thạch Hải ngon, thơm, không chất bảo quản nên khách hàng luôn tin dùng và lựa chọn".