Đam mê với con cá dìa đặc sản
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi cá dìa của mình, ông Hồ Văn Hổ vui vẻ nói: "Vốn yêu thích nông nghiệp nên tôi quyết định bỏ kinh doanh nhà hàng ở thành phố, dốc hết vốn luyến để về vùng sông núi Trường Định đào ao nuôi tôm...".
Những năm đầu nuôi tôm, ông Hồ Văn Hổ có thu nhập kha khá, nhưng càng về sau nuôi tôm càng lỗ. Đến năm 2019, được người quen giới thiệu mô hình nuôi cá dìa giống và nuôi cá dìa thương phẩm có giá trị kinh tế cao. Thấy kỹ thuật nuôi cá dìa đơn giản nên ông mạnh dạn chuyển hướng từ nuôi tôm sang nuôi cá dìa đặc sản.
Trên diện tích 3,4ha ao nuôi tôm trước đó, ông Hồ Văn Hổ cải tạo lại và ươm thả hơn 30.000 con cá dìa giống. Sau 6 tháng ươm nuôi, cá dìa giống đạt từ 60 - 80g/con sẽ được ông Hổ xuất bán cho nhiều đầu mối. Bên cạnh đó, ông Hổ còn kết hợp nuôi cá dìa thương phẩm với tổng thời gian sinh trưởng là khoảng 9 tháng. Theo ông Hồ Văn Hổ, điều kiện tự nhiên tại vùng đất ven sông Cu Đê rất thuận lợi cho cá dìa phát triển. Bởi vốn dĩ loài cá đặc sản này ít bị dịch bệnh trong quá trình sinh trưởng, tỷ lệ sống cao.
"Ngoài việc làm kinh tế giỏi, ông Hổ còn giải quyết việc làm hàng chục lao động cho địa phương với mức thu nhập ổn định. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi cá dìa này nhằm tăng thu nhập cho bà con…".
Ông Ngô Quốc Dũng - Chủ tịch UBND
xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng)
Chỉ cần đảm bảo nguồn nước sạch, cung cấp thức ăn đủ dinh dưỡng là cá dìa lớn nhanh và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, nguồn nước lưu vực sông Cu Đê đoạn qua xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) có độ mặn rất phù hợp để nuôi cá dìa đạt sản lượng cao.
"Sau nhiều năm nuôi tôm không hiệu quả, đến năm 2019, tôi dốc hết vốn liếng. Tôi phải vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hòa Vang để đầu tư nuôi cá dìa..." - ông Hồ Văn Hổ nhớ lại. Tiền vay ngân hàng được ông Hồ Văn Hổ đầu tư vào mua thức ăn, trả tiền nhân công, mua cá dìa giống để bắt đầu xây dựng mô hình nuôi cá dìa.
Ngay từ năm đầu nuôi cá dìa, ông Hồ Văn Hổ đã bắt bán được 9 tấn cá. Cứ 1 tấn cá dìa xuất bán, ông Hổ thu về 190 triệu đồng. Từ sự thành công của năm đầu nuôi cá dìa, ông Hồ Văn Hổ chủ động mở rộng quy mô nuôi cá dìa lên 150.000 con giống trong năm 2021. Cá dìa đang phát triển tốt, ông Hồ Văn Hổ ước tính sẽ đạt hơn 20 tấn cá dìa trong năm 2021.
Lãi 800 triệu đồng/năm
Phấn khởi vì nuôi cá dìa được mùa, ông Hồ Văn Hổ chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá dìa: "So với nuôi tôm và nuôi một số loại cá khác, thì nuôi cá dìa dễ nuôi hơn nhiều và ít tốn công chăm sóc. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo một môi trường nước sạch, xử lý kịp thời khi thời tiết thay đổi bất thường và cung thức ăn đầy đủ, phù hợp...".
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi cá dìa mà ông Hồ Văn Hổ nuôi cá dìa trong ao mật độ dày đặc. Tuy nuôi mật độ cao nhưng cá dìa vẫn sinh trưởng rất tốt. Cá dìa có giá bán cao, ông Hồ Văn Hổ nuôi chưa bao giờ bị lỗ. Hiện nay, hồ nuôi cá dìa của ông Hổ cung cấp hàng chục tấn cá dìa giống và cá dìa thương phẩm cho thị trường tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, Huế…
Cá dìa giống ương nuôi sau 6 tháng đạt khoảng 60 - 80g/con, trung bình bán cá dìa giống 9.000 đồng/con. Cá dìa thương phẩm có chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Cá dìa thương phẩm ông Hổ bán với giá dao động từ 160.000 - 200.000 đồng/kg.
Năm 2020, vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên giá cá dìa bị sụt giảm so với trước. Tuy nhiên, sản lượng cá dìa vẫn cao và đạt hơn 9 tấn, đem lại cho ông Hổ mức doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí thì thu lãi khoảng 800 triệu đồng.
Với quy mô nuôi cá dìa lớn, ông Hổ đã tạo việc làm ổn định cho 3 lao động trong gia đình, 6 nhân công được bao ăn ở với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, cuối năm 2020, ông Hổ mạnh dạn vay thêm vốn từ Ngân hàng CSXH để dốc sức đầu tư vào các ao nuôi cá dìa. Những kết quả nuôi cá dìa đặc sản mà ông Hồ Văn Hổ có được đã tạo nên niềm vui lớn, khích lệ tinh thần sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững của nhiều nông dân trong vùng.
Ông Hổ tâm sự: "Trung bình mỗi tháng, tiền điện vận hành tại hồ nuôi cá dìa vào khoảng 20 triệu đồng, chưa kể chi phí thức ăn và nhân công. Bên cạnh đó, để có được cá dìa giống chất lượng thì phải huy động được nguồn vốn lớn, có gan thì mới làm giàu...".
Dù cá dìa có giá trị kinh tế cao, nhưng người dân trong vùng vẫn nuôi tôm truyền thống, chưa dám chuyển đổi sang nuôi cá dìa... Cá dìa được xem là cá đặc sản của vùng nước lợ ven sông Cu Đê, có giá trị kinh tế cao nên ông Hổ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá dìa để bà con cùng học hỏi, phát triển kinh tế.
Cùng với sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời từ các ban ngành địa phương, ông Hồ Văn Hổ hy vọng mô hình nuôi cá dìa sẽ tiếp tục được nhân rộng và phát triển bền vững.