Dân Việt

Lộ diện vị trí Bắc Giang đề xuất xây sân bay

Thế Anh 26/02/2021 07:00 GMT+7
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang đề xuất xây sân bay kép là sân bay quân sự trở thành sân bay lưỡng dụng, sử dụng cho cả mục đích dân sự tại vị trí xã Hương Lạc, Lạng Giang.

Trong văn bản góp ý về dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bắc Giang cho biết, đã triển khai thực hiện hoàn thành dự thảo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, hiện đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Theo đó, Sở GTVT Bắc Giang đề nghị Bộ GTVT, đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu bổ sung và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sân bay kép là sân bay quân sự trở thành sân bay lưỡng dụng, sử dụng cho cả mục đích dân sự vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bắc Giang đề xuất xây sân bay ở khu vực nào? - Ảnh 1.

Các địa phương đua nhau đề xuất xây sân bay, có nguy cơ gây lãng phí.

Lý do chuyển đổi sân bay quân sự phục vụ cả dân sự được Sở GTVT Bắc Giang đưa ra là mật độ sân bay tại khu vực này còn khá thưa (phía Bắc hiện mới chỉ có một số sân bay dân sự Nội Bài, Hải Phòng, Vân Đồn), đặc biệt là các tỉnh miền núi.

Với việc còn thưa sân bay nên thời gian tới được dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa sẽ tăng nhanh; hiện nay, tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và vùng lân cận chủ yếu sử dụng sân bay Nội Bài, song đây là sân bay đã có hiện tượng quá tải so với nhu cầu; đồng thời khoảng cách từ khu vực đi chuyển đến sân bay khá xa (Lạng Sơn trên 150km, một số vùng xa của Bắc Giang khoảng 150km).

Đối với việc thu hút đầu tư, lãnh đạo Sở GTVT Bắc Giang cho rằng, hiện nay, dịch vụ du lịch bùng nổ nhu cầu đi lại của hành khách là rất lớn, việc vận chuyển hàng hóa, nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu Lạng Sơn, cũng như và phục vụ sản xuất, nhu cầu của nhân dân cũng không ngừng gia tăng. Do đó, nếu có sân bay Kép sẽ giải quyết được vấn đề tăng cường giao dịch thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng nói chung và Bắc Giang nói riêng.

Về vị trí đề xuất chuyển đổi sân bay, Sở GTVT Bắc Giang cho biết,  sân bay Kép là sân bay quân sự cấp hai, có vị trí tại xã Hương Lạc, Lạng Giang, Bắc Giang.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trong quy hoạch phát triển GTVT hàng không đến 2020, định hướng đến 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2018, trong 10 năm tới, cả nước có 28 cảng hàng không, gồm 15 cảng quốc nội và 13 cảng quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sân bay đã được đưa vào quy hoạch này song chưa được đầu tư xây dựng như Lai Châu, Sapa, Nà Sản, Phan Thiết, Quảng Trị, Rạch Giá.

Từ thực tế trên cho thấy, mặc dù các sân bay đều trong tình trạng thua lỗ, nhưng tỉnh nào cũng muốn xây dựng sân bay. Hai là, khi các tỉnh ồ ạt đầu tư hoặc đề xuất xây dựng sân bay, nơi có sân bay nội địa thì lại muốn mở rộng nâng cấp thành sân bay quốc tế.

Và lý do mà hầu hết các địa phương đưa ra là mở sân bay để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch. Có điều, hầu hết đều dựa trên sự cảm tính, không có cơ sở khoa học cũng như bài toán kinh tế cho các sân bay này hoạt động.

Đặc biệt, trong 10 năm qua, Hàng không tăng trưởng "nóng", nhưng chỉ có số ít sân bay có lãi. Trong tổng số 22 cảng hàng không mà Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý, khai thác thì ngoài một số ít cảng có lãi lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… còn phần lớn đang lỗ.

Vì vậy, nhiều địa phương đã đua nhau đề xuất xây sân bay dẫn tới nguy cơ phá vỡ quy hoạch mạng lưới hàng không. Đặc biệt, những đề xuất này còn có thể sẽ tạo gánh nặng cho các các sân bay đầu mối đang hoạt động hiện hữu.

Theo Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, câu chuyện các địa phương đua nhau xin xây Cảng hàng không, sân bay đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí. Cả nước hiện có 23 sân bay, nhưng chỉ 6 - 7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ. Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân..., vì đầu tư sân bay rất tốn kém.

PGS. TS Ngô Trí Long cho biết, dù đầu tư từ vốn Nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội. Đất nước còn nghèo, cần sử dụng hiệu quả. Cũng cần tránh đề xuất làm sân bay vì mục đích khác, như để kích cầu và đẩy giá bất động sản. Hàng không là phương tiện đi lại xa xỉ, không phải đa số người dân đều tiếp cận được.