Theo Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021 (quyết định số 3598/QĐ-BCT), tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc, bao gồm cả sản lượng điện mặt trời mái nhà là 262,410 tỷ kWh.
Theo đó, dự kiến điện thương phẩm toàn quốc là 226,27 tỷ kWh, tăng hơn 5% so với năm 2020. Tuy nhiên hiện trạng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, tăng 2,9% so năm 2019 và điện thương phẩm toàn quốc đạt 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019.
Như vậy, có thể nhận thấy rất rõ nhu cầu sử dụng đang giảm nhanh. Cụ thể, sản lượng điện thương phẩm năm 2019 là 209,77 tỉ kWh, tăng 9,05% so với năm 2018 và giai đoạn 5 năm 2016-2020 với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân đạt 8,59%/năm (năm 2016 tăng trưởng cao nhất 11,21% và năm 2020 thấp nhất là 3,42% do ảnh hưởng Covid-19).
Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, mối lo thừa điện đã lên đỉnh điểm, cơ quan này phát đi cảnh báo về sự bùng nổ điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).
Ngoài ra, mới đây, Bộ Công Thương cũng đã báo động về tình huống nguy hiểm khi "hệ thống điện dư thừa công suất phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ" trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Đánh giá về tình trạng nêu trên, một nhà đầu tư điện mặt trời ở Ninh Thuận cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp đang phải ứng phó với rất nhiều khó khăn. Bên cạnh mối lo dư cung, nhà đầu tư đang phải "ngóng" cơ chế giá mới lại đứng trước việc cơ quan quản lý siết lại quy trình, vừa tăng cường kiểm tra giám sát,…
Do vậy, các nhà đầu tư điện mặt trời với quy mô vừa và nhỏ như đang "ngồi trên đồng lửa". Hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư không kịp vận hành trước ngày 31/12/2020.
Số liệu từ EVN cho thấy, trong 9.300 MW ĐMTMN được bổ sung vào hệ thống năm 2020, thì có tới 76% hệ thống có mức công suất quanh 1 MW. Có thể thấy, nhóm nhà đầu tư vừa và nhỏ rất lớn, với việc sản xuất điện để kinh doanh chứ không nhằm mục đích tự tiêu dùng.
Cũng theo nhà đầu tư này, chính sách chỉ kêu gọi chung chung "khuyến khích phát triển điện mặt trời". Trong khi đó, mọi thông tin đều mập mờ khiến doanh nghiệp lao đao vì các hậu quả không lường trước được.
Do đó, cần công khai, minh bạch số liệu dự báo nhu cầu phụ tải, danh sách tổng công suất các dự án đã vào vận hành, đang xây dựng cho tất cả loại hình nhà máy điện. Từ đó, làm rõ tổng cung và cầu của hệ thống điện theo từng năm để tránh đầu tư vượt cầu, gây thiệt hại cho DN.
"Cần tính toán, quy trách nhiệm cho từng đơn vị chức năng để không "mạnh ai nấy làm" dễ gây hậu quả. Song, lại tăng thêm thời gian chờ đợi, đồng nghĩa với thiệt hại tài chính tăng lên bởi phần lớn nhà đầu tư phải vay vốn đến 80%", vị này cho hay.
Tình trạng phát triển điện mặt trời thiếu kiểm soát gây quá tải lưới và phải cắt giảm nguồn phát đang gây nhiều hệ quả nhãn tiền. Trước bối cảnh đó, mới đây, Chính phủ một lần nữa yêu cầu rà soát hoạt động trên, đồng thời chưa bổ sung thêm hàng chục dự án điện gió dù đã thẩm định xong.
Chỉ đạo của Chính phủ cũng nêu cụ thể: "tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào", thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.
Theo đó, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được giao phối hợp với Bộ Công thương, EVN trong công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua; xử lý nghiêm trong phạm vi thẩm quyền các sai phạm nếu có.
Về vấn đề bức xúc của đại bộ phận nhà đầu tư, Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý, không để xảy ra việc có sơ hở trong các cơ chế, chính sách.
Chỉ đạo xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành, hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế của nhà đầu tư và lãng phí nguồn năng lượng tái tạo.
Thời gian qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng vừa ký văn bản trả lời một số công văn của Bộ Công Thương về việc rà soát các dự án điện gió đã hoàn thành công tác thẩm định vào quy hoạch.
Theo đó, "không xem xét bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh các dự án mà Bộ Công Thương đề xuất" mà "đưa vào quy hoạch VIII" (quy hoạch VIII hiện đang được Bộ Công thương chủ trì để lập). Lý do là bởi Quy hoạch VII điều chỉnh đã có 11.800 MW điện gió là "mức rất cao", nhưng đến hết 2020 mới chỉ có 538 MW được vận hành, còn tới hơn 11.260MW đang được triển khai.