Ngày 25/3, Bộ VH,TT&DL tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
NSND Nguyễn Quang Vinh phụ trách tổ soạn thảo nêu những điểm nổi bật của quy định mới là: "Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương; khắc phục vấn đề tác động giới và quy định điều kiện bao quát hơn đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu (không chỉ dành cho nữ) cũng như quy định quản lý hậu kiểm đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn".
Một trong những điểm mới của Nghị định được chú ý là lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp sẽ do UBND tỉnh, TP chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Việc cấp phép cho các thí sinh người đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được xóa bỏ, thay vào đó chỉ cần đáp ứng các yêu cầu: Có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, không vi phạm pháp luật, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, Nghị định cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.
Sự thông thoáng, cởi mở quy định tổ chức cuộc thi nhan sắc của Nghị định 144 lại làm dấy lên lo ngại rằng liệu tình trạng "loạn" hoa hậu có tái tiếp diễn? Bởi trước đó, nhiều cuộc thi "ao làng" xuất hiện, nhiều cuộc thi "chui", tổ chức không chuyên nghiệp khiến dư luận ngao ngán.
Cụ thể, Người đẹp du lịch Quảng Bình đánh mất uy tín, hình ảnh cuộc thi bị tước danh hiệu. Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020 gây ngỡ ngàng cho khán giả khi tuyên bố không trao danh hiệu Hoa khôi, chỉ xướng tên Á khôi 1 và Á khôi 2.
Năm 2020, cũng xuất hiện những lùm xùm như hoa hậu chi tiền tỷ để mua giải, lách luật để tổ chức thi nhan sắc chui, tranh cãi về ngôi vị đăng quang. Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 bị chính người đăng quang tố cáo không có giấy phép. Sau khi kết thúc cuộc thi, chính người đoạt vương miện "Hoa hậu" đã có đơn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tố cáo cuộc thi có dấu hiệu lừa đảo thí sinh với số tiền gần 1 tỷ đồng.
Trước những ý kiến trái chiều về việc nới lỏng quy định tổ chức cuộc thi nhan sắc, NSND Nguyễn Quang Vinh, Nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn chia sẻ: "Đơn vị nào có đủ điều kiện, có đăng ký chức năng hoạt động biểu diễn thì vẫn được phép tổ chức nếu được sự đồng ý của địa phương. Nếu cơ quan nhà nước nào cũng yêu cầu đơn vị tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện này, kia thì sẽ mất đi sự sáng tạo. Chúng ta chỉ có quy định hành lang là không được làm những điều pháp luật cấm".
Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, điểm mới thứ tư của Nghị định 144 chính là quy định cụ thể các trường hợp dừng hoạt động, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam. Ðiều này sẽ chấm dứt việc các bên đùn đẩy trách nhiệm hoặc lúng túng vì không có căn cứ pháp lý để thu hồi danh hiệu, như tình trạng từng xảy ra sau một số cuộc thi sắc đẹp trước đây.
Theo Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH&TT Hà Nội Nguyễn Văn Trực thì việc phân cấp quản lý theo địa bàn sẽ giúp các địa phương quản lý sát nội dung chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở địa phương; từ đó xử lý các tình huống phát sinh thuận tiện, tăng quyền lợi và tăng trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý.
Ông Nguyễn Văn Trực cho rằng, điều này cũng đòi hỏi các địa phương phải nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng thẩm định và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu để bảo đảm thời hạn cấp thủ tục chấp thuận tổ chức biểu diễn.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương phải tích cực hơn nữa trong công tác hậu kiểm để xử lý các vấn đề vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn...