Theo đó, con số nói trên ghi nhận mức tăng 24,5% so với kim ngạch xuất nhập khẩu cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% . Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2021 giảm 4,7%.
Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,48 tỷ USD, tăng 4,4%, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,07 tỷ USD, tăng 30,5%, chiếm 76,4%.
Về ngành hàng chủ lực là nông sản, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước là: rau quả đạt 610 triệu USD, tăng 14,6%; cao su đạt 516 triệu USD, tăng 109,7% (lượng tăng 89,9%); hạt điều đạt 442 triệu USD, tăng 21,5% (lượng tăng 46,1%);…
Hiện tại, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,5 tỷ USD, tăng 54,3%. Thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7%. Thị trường ASEAN đạt 4,2 tỷ USD, tăng 6,2%.
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 17,3 tỷ USD, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 6,7%; thị trường ASEAN đạt 5,6 tỷ USD, tăng 18,5%; thị trường EU đạt 2,3 tỷ USD, tăng 4,7%; Hoa Kỳ đạt 2,1 tỷ USD, giảm 4,1%.
Đáng chú ý, cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước. Đây là mức CPI tăng cao nhất của tháng 2 trong 8 năm gần đây.
Nguyên nhân được xác định do sự tăng giá của nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
Khu vực thành thị tăng 1,45%; Khu vực nông thôn tăng 1,59%. Trong đó, khu vực nông thôn có tốc độ tăng CPI cao hơn khu vực thành thị chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm và nhóm điện sinh hoạt có mức tăng cao.