Dân Việt

NSƯT Hữu Châu: "Ở tuổi 55, tôi không còn nghĩ tới chuyện lập gia đình"

Hoàng Yến 01/03/2021 14:10 GMT+7
"Tôi không còn nghĩ về chuyện lập gia đình nhiều năm nay. Tôi coi học trò là con của mình", nghệ sĩ Hữu Châu chia sẻ.
NSƯT Hữu Châu: "Ở tuổi 55, tôi không còn nghĩ tới chuyện lập gia đình" - Ảnh 1.

NSƯT Hữu Châu: "Ở tuổi 55, tôi không còn nghĩ tới chuyện lập gia đình".

NSƯT Hữu Châu hẹn Zing tại một phòng nhỏ nằm bên góc của Cung Văn hóa Lao Động (TP.HCM). Nam nghệ sĩ chia sẻ đây là nơi anh thuê để mở lớp dạy học trò miễn phí.

Anh kể một năm qua là quãng thời gian khó khăn của sân khấu, các diễn viên. Vì thế, anh tìm mọi cách giúp đỡ, cưu mang học trò của mình bằng cách mua tặng gạo, cá khô, thuê giáo viên giỏi về đào tạo.

"Tôi rất thương học trò nhưng khi dạy chúng lại vô cùng nghiêm khắc. Trần Phong, Minh Dự bị tôi mắng hoài vì ngờ nghệch, quên lời thoại. Nhưng đứa nào cũng hiểu và tôn trọng tôi. Bây giờ, hạnh phúc của tôi là nhìn thấy thành công của học trò", nghệ sĩ Hữu Châu tâm sự.

Sân khấu sẽ không chết

2020 là năm khó khăn đối với sân khấu kịch. Những ngày giáp Tết, sân khấu lại đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kịch Tết dang dở, nghệ sĩ mất công tập, không cát-xê. Anh vượt qua quãng thời gian vừa rồi ra sao?

- Năm qua đúng là một năm chồng chất khó khăn của sân khấu kịch. Tôi nhớ hồi tháng 4/2020, khi TP.HCM phải thực hiện giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, sân khấu đóng cửa cả tháng, diễn viên thất nghiệp.

Tâm lý tôi lúc đó tù túng, chán nản lắm vì bị bó buộc trong 4 góc tường. Không chỉ tôi, ai sống ở thời điểm đó cũng đều lo lắng, phập phồng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định bỏ một số tiền ra mua gạo, cá khô để tặng các nghệ sĩ gạo cội, hàng xóm và học trò. Đối với học trò, tôi khuyên tụi nó về quê, ở bên cha mẹ. Vì ở lại TP.HCM vừa không có việc, nảy sinh nhiều chi phí, chúng lại nặng gánh tiền bạc.

NSƯT Hữu Châu: "Ở tuổi 55, tôi không còn nghĩ tới chuyện lập gia đình" - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Hữu Châu tin tưởng sân khấu kịch sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Phương Lâm.

Khi làm những điều ấy, tôi thấy tâm mình nhẹ nhõm hẳn. Bản thân nhận nhiều giá trị về mặt tinh thần, cảm giác con người bớt ích kỷ hơn.

Sau một tháng hết giãn cách, sân khấu mở lại. Chao ôi, cảm giác lúc đó của tôi không thể diễn tả nổi. Sung sướng, hạnh phúc tưởng như mình đang diễn trong lễ tốt nghiệp cách đây nhiều năm.

Nhiều người trong số chúng tôi đã bật khóc. Với họ, sân khấu là thánh đường nhưng cũng là nơi để kiếm tiền, nuôi sống gia đình, bản thân. Việc được đi diễn lại khiến các diễn viên mừng vui khôn xiết.

Thế rồi, dịch lại ập đến lần nữa vào dịp cận Tết Nguyên đán. Sân khấu không sáng đèn, diễn viên thất nghiệp.

Thời huy hoàng của sân khấu đã qua từ lâu. Dịch Covid-19 đến cũng như một phép thử về sự tồn vong của sân khấu kịch?

- Khán giả bây giờ khác khán giả của thời xưa. Song họ vẫn còn yêu sân khấu lắm. Thử hỏi nếu khán giả không yêu sân khấu thì đến thời điểm này, chúng tôi đã chết đói hết rồi.

Nhưng bây giờ nhiều loại hình nghệ thuật, phương tiện giải trí nên san sẻ bớt khán giả của sân khấu. Giới trẻ bây giờ nhiều người yêu kịch lắm và có những nhận định khá sâu sắc về các vở. Bằng chứng là khán giả của sân khấu kịch Idecaf vào mỗi cuối tuần rất đông các bạn trẻ. Họ chăm chú theo dõi và nhiệt tình cổ vũ.

Nói vậy, anh tin là sân khấu sẽ không chết?

- Không. Sân khấu sẽ không bao giờ chết. Nếu chết thì sân khấu đã không tồn tại đến bây giờ. Có những giai đoạn, sân khấu rơi vào khủng hoảng, tưởng không vực dậy nổi, nhưng rồi cũng qua và trở lại. Tất cả chỉ là một vòng tròn khép kín.

Có chăng thì chúng tôi phải thay đổi cách thức thể hiện và biết làm mới mình để phù hợp với thời đại.

NSƯT Hữu Châu: "Ở tuổi 55, tôi không còn nghĩ tới chuyện lập gia đình" - Ảnh 3.

Anh chia sẻ nhiều lần đánh học trò vì quên thoại, ngờ nghệch. Ảnh: Phương Lâm.

Một vai diễn phải thể hiện nhiều lần trên sân khấu, nghệ sĩ không tránh khỏi cảm giác nhàm chán. Vậy cách làm mới mình như anh nói ở trên có thể hiểu là...?

- Nghệ sĩ phải là người ham học hỏi, biết cách quan sát và sáng tạo. Bản thân tôi là giáo viên nhưng cũng nhận được từ học trò mình rất nhiều. Đó là nét thanh xuân trong cách diễn, sự chân chất và nguyên sơ một cách đáng quý.

Còn tôi dạy tụi nó sự chín chắn, cách xử lý trên sân khấu. Một vở diễn phải thể hiện lại hàng chục lần, nghệ sĩ sẽ không tránh khỏi sự nhàm chán, thiếu cảm xúc. Lúc ấy, giải pháp của tôi là nhìn xuống hàng ghế khán giả và chọn một cá nhân để nuôi dưỡng cảm xúc.

Có lần, tôi nhìn thấy một đôi nam nữ ngồi gần nhau rất tình cảm. Tôi nhanh chóng nuôi cảm xúc cho mình bằng cách tự nói với bản thân: "Đêm nay, vở diễn này mình diễn để tặng hai cháu".

Với tôi, đó là cách để lấy lại hưng phấn cho vai diễn của mình, cũng như một liệu pháp để tưới tắm cho tâm hồn.

Tôi đánh Minh Dự, Trần Phong vì ngờ nghệch, quên thoại

Khán giả thấy Hữu Châu đóng phim truyền hình, điện ảnh, giảng dạy, diễn ở sân khấu, thậm chí đóng trong nhiều MV, quảng cáo... Nhưng tuyệt nhiên không thấy anh làm giám khảo trong các game show. Vì sao vậy?

- Không phải cái gì trên đời này tôi cũng biết. Có những thứ tôi mù tịt như ngoại ngữ. Tôi giả dụ thế này. Nếu một ngày tôi ngồi ở vị trí giám khảo của game show, tụi nhỏ nói tiếng Anh, tôi làm sao hiểu được. Có phải như vậy là đang trưng hết các điểm yếu của mình ra với thiên hạ không?

Tôi cảm giác không tự tin khi tham gia game show. Tôi sợ mình đánh giá không chính xác hoặc góp ý sai cho một nghệ sĩ trẻ nào đó sẽ khiến họ bị nhìn nhận lệch lạc.

Hoặc trong trường hợp, tôi thấy một thí sinh nào đó diễn tốt nhưng nhà sản xuất không muốn chấm em đó điểm cao và ngược lại. Tốt nhất là tôi không nên tham gia game show. Nói vậy không phải là tôi xem thường mà bản thân thấy không phù hợp.

Nhưng có một dạo, anh có cái nhìn khắc nghiệt về game show. Năm 2017, anh từng phát biểu: "Thà xem thế giới động vật còn hơn xem game show". Đến nay, anh còn quan điểm như vậy?

- Sau một thời gian, tôi có cái nhìn thoáng hơn. Bây giờ, học trò của tôi tham gia game show, tôi vẫn cho phép. Diễn viên giờ nhiều quá, như nấm mọc sau mưa. Tụi nhỏ cũng phải tham gia chương trình này kia để khán giả nhớ đến mình. Việc diễn ở sân khấu cũng không đủ tiền để chúng trang trải cuộc sống.

Vì thế, tôi không còn cản như xưa. Tôi chỉ yêu cầu học trò mình tham gia những game show mà chúng cảm thấy phù hợp, đừng để mọi thứ quá lố. Nếu tôi cảm thấy cái gì không được là gọi điện thoại la ngay.

NSƯT Hữu Châu: "Ở tuổi 55, tôi không còn nghĩ tới chuyện lập gia đình" - Ảnh 4.

Nam nghệ sĩ cho biết anh bớt khó tính hơn xưa. Ảnh: Phương Lâm.

Đồng nghiệp, học trò nhận xét anh khá nóng tính, sẵn sàng chửi thẳng mặt nếu họ khiến anh không hài lòng. Điều đó có đúng?

- Trong quá khứ, tôi hay nóng tính. Nhưng sự việc đó phải dữ dội, căng thẳng lắm, tôi mới nổi nóng. Không phải tự nhiên mà mình nóng nảy với người khác.

Thường những lần khiến tôi nổi nóng, chửi thẳng mặt không phải là ảnh hưởng đến tôi mà đụng đến anh chị em đồng nghiệp hoặc học trò.

Khi chứng kiến sự việc, tôi thấy họ bị oan sai thì phải lên tiếng. Tôi không nói chuyện sai cho ai bao giờ. Tất nhiên cũng có người sẽ không thích tôi đâu. Nhưng tôi chỉ quan tâm những người hiểu mình.

Với học trò thì sao?

- Học trò sợ tôi lắm vì diễn không đúng, quên thoại là tôi đánh ngay. Ngoài đời, tôi có thể đi chơi chung, chọc giỡn với tụi nó nhưng vào công việc là phải khác. Học trò biết nên không bao giờ giận thầy.

Minh Dự, Trần Phong bị tôi đánh nhiều lần vì ngờ nghệch, quên thoại. Có lần, tôi sai Minh Dự đi mua chiếu để chuẩn bị cho một vở diễn. Thế mà nó lại mua nhầm. Về đến nơi, Minh Dự bị tôi chửi ngay. Nó thông minh nhưng nhiều lúc khờ khạo lắm.

Còn Trần Phong lắm lúc quên thoại, diễn đi diễn lại không được. Lúc đó tôi mới trợn mắt, phùng má chửi một trận. Thế mà tối hôm đó về, nó thức tập cả đêm. Sáng hôm sau, khi diễn lại trên sân khấu, mọi thứ lại trơn tru, tốt đẹp.

Tôi thương học trò nên đang mở lớp dạy miễn phí tại đây (anh chỉ vào phòng nhỏ ở một góc của Cung Văn hóa Lao Động).

Tôi thuê một số giáo viên ở ngoài dạy chúng hát, múa, nhảy, cách giải phóng cơ thể... Lớp khoảng 10 học trò. Đứa nào cũng ngoan ngoãn, dễ thương. Nhiều khi học xong, thầy và trò dắt nhau ra quán lề đường nào đó, ăn uống vui vẻ. Tất nhiên, tôi lại là người trả tiền sau mỗi lần ăn nhậu (Cười).

Trong số các học trò, anh tự hào về ai nhất?

- Nhiều lắm nhưng tự hào nhất là Trần Phong - học trò ruột của tôi nhiều năm qua. Bây giờ, hạnh phúc của tôi là nhìn thấy thành công của học trò. Mỗi khi chúng nó được đề cử ở giải thưởng nào là tôi cảm giác giống như mình đang được vinh danh.

Nếu tụi nó không đạt giải, tôi gọi điện động viên để chúng đừng buồn. Khi gặp đồng nghiệp mà ai khen học trò anh Hữu Châu ngoan ngoãn, lễ phép, đi làm đúng giờ là tôi hãnh diện, tự hào lắm.

Học trò đa phần là nghèo và tôi luôn hỗ trợ tiền học phí. Đến tuổi này, tôi chỉ muốn gửi những diễn viên đàng hoàng, chân chính cho điện ảnh, sân khấu.

Trong các thế hệ học trò, có ai từng được anh đào tạo nhưng lại bỏ ngang, không theo nghiệp diễn khiến anh buồn, thất vọng?

- Có chứ nhưng tôi không tiện kể tên. Đó là quyết định của chúng và tôi tôn trọng điều đó. Có những học trò không theo nghề diễn nhưng lại thành công với việc kinh doanh.

Nghề diễn này không phải ai giỏi cũng trở nên nổi tiếng được. Ngoài ra, cũng cần sự may mắn. Tôi hay dạy học trò của mình rằng: "Nghề này muốn khán giả biết đến tên các em thì dễ lắm. Biết rồi nhưng thích các em lại là chuyện khó. Nhưng thích rồi mà yêu thương, kính trọng thì vô cùng khó. Bởi vậy phải biết chuyên tâm với nghề và giữ mình trong mọi hoàn cảnh".

"Thái Hòa, Long Đẹp Trai từng ở chung trong nhà tôi"

Thời trai trẻ, anh từng đi bán báo, tham gia một số chương trình tấu hài. Khi ấy, ước mơ của anh là gì?

- Thời đó, thế hệ chúng tôi khi ra trường, ai cũng chỉ mong kiếm được việc làm để giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo. Không ai nghĩ mình trở nên nổi tiếng cả. Chúng tôi làm nghề chăm chỉ, lăn xả qua nhiều năm mới tạo dựng được tên tuổi cho mình.

NSƯT Hữu Châu: "Ở tuổi 55, tôi không còn nghĩ tới chuyện lập gia đình" - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Hữu Châu nói anh hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ảnh: Phương Lâm.

Hồi tưởng về quá khứ, anh nhớ nhất ở giai đoạn nào trong cuộc đời mình?

- Tôi nhớ nhất là những ngày đi hát ở đoàn Kim Cương từ Nam ra Bắc. Thời đó khổ cực nhưng vui lắm. Khán giả cũng yêu quý nghệ sĩ. Họ có thể bỏ ăn, quên uống để đi theo đoàn nghe hát.

Tôi ăn, ngủ trong chùa, thậm chí có lúc ngủ ngoài nghĩa địa. Nhưng lên sân khấu vẫn cháy hết mình.

Tiếp đó, tôi nhớ giai đoạn mà nhà tôi cưu mang không biết bao nhiêu diễn viên. Thái Hòa, Long Đẹp Trai, Kim Huyền... ở chung trong một nhà với tôi.

Mẹ tôi nấu một nồi cơm to, tôi thì đi xin tép mỡ về kho. Thế mà, nhoáng một cái tụi nó đã vét sạch nồi cơm. Sau này, khi mấy đứa em của tôi lập gia đình, thì chúng nó mới chuyển đi chỗ khác.

Bây giờ, chúng nó thành danh cả rồi nhưng gặp tôi là cúi đầu chào, một dạ hai thưa, không dám hỗn hào. Mỗi dịp nhà tôi có giỗ chạp gì, cả đám đều tập trung, quây quần, vui lắm.

Các em trưởng thành, học trò thành đạt, còn anh vẫn chọn cuộc sống độc thân ở tuổi 55. Anh có bao giờ thấy cô độc?

- Tôi không còn nghĩ về chuyện lập gia đình nhiều năm nay. Tôi coi học trò là con cái của mình. Tuổi này rồi, tôi chỉ mong sức khỏe để có thể tiếp tục giảng dạy và đứng trên sân khấu.