Sân golf Thạnh Hiệp mười tám lỗ, nằm trên thượng nguồn sông Sài Gòn, không khác gì bồng lai tiên cảnh, nơi gặp gỡ hầu hết các chính khách, đại gia, tổng giám đốc và các tay chơi miền Đông. Từ đây, nhiều hợp đồng tiền tỷ được ký tắt, nhiều mai mối làm ăn được manh nha, nhiều quan hệ trong và ngoài nước được thiết lập.
- Anh sẽ giới thiệu chú với một tay Việt kiều bán trời không văn tự. Hắn nhiều tiền đến mức cái toilet trên rẫy của hắn cũng dát vàng - Ông anh cầm tay tôi đi về phía quầy bar. Kia rồi, chú nhìn thằng cha cưỡi chiếc Mercedes kia. Hắn đến rồi đấy.
Từ chiếc xe đen bóng bước ra là một gã lùn, áo thun trắng, quần sooc trắng, giày Adidas trắng, mũ mỏ vịt đỏ. Cậu tài xế mở cốp lễ mễ khuân đồ nghề đánh golf theo sau.
Ngoài chiều cao hơi khiêm tốn, Huỳnh Bửu rất đáng mặt đàn ông. Từ cái bắt tay đầu tiên, tôi đã cảm nhận đây là một hảo hán kiểu nhân vật Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu.
- Anh dân miền Tây lạc lên đây, đúng không?
- Ủa? Sao anh Hai tài vậy. Em gốc dân miệt vườn sông Tiền. Gọi Huỳnh Bửu cũng được, nhưng cứ gọi em là Mười Xoài.
- Gọi là giáo sư Xoài như dân vùng này mới vinh danh - Ông anh tôi cười lớn - Khối anh giáo sư tiến sĩ cũng không đáng xách dép cho chú em này.
- Anh Huân cứ giễu em. Thôi, các anh cứ gọi Mười Xoài đi, cho nó thân mật. Em thứ Mười, mê cây xoài hơn cả người tình. Em đang trồng bốn trăm hécta xoài các loại…
Tôi tròn mắt, xoay qua anh Huân. Anh Huân gật đầu:
- Trại xoài bốn trăm hécta của giáo sư Xoài lớn nhất vùng. Chỗ tôi chỉ gần trăm hécta, hàng tép riu. Rồi chú sẽ được mục sở thị. Chẳng kém gì một nông trường của miền Bắc xã hội chủ nghĩa ngày xưa. Ông tư bản Mỹ này đang làm náo loạn báo chí Sài Gòn…
Mới gặp Bửu mà đã anh em thân tình, xởi lởi. Buổi trưa đầu tiên ở quán bar, hệt như hai gã pede, chúng tôi làm cô gái tên Lý cứ che tay lên lúm đồng tiền cười suốt. Nếu cô không cản, chắc chúng tôi uống hết cả thùng Heineken, hút hết một bao ba số dẹt. Càng uống, giáo sư Xoài càng phơi hết phèo phổi, cởi lòng cởi dạ. Huỳnh Bửu đúng là dạng công tử miền Tây. Bố mẹ anh giàu có, thời trước có tàu chạy Sài Gòn - Cao Miên. Cả bẩy anh em trai đều được gửi lên học Sài Gòn. Trước 75, Huỳnh Bửu từng học Đại học Bách khoa Phú Thọ. Sau 75 các anh chị em đi Mỹ hết, chỉ mình Bửu ở lại trông mẹ già ở quê. Mẹ mất, ba năm sau các anh chị bảo lãnh cho Bửu đi Mỹ tiếp. Căn nhà tổ phụ ở cù lao Xanh đành gửi người bà con trông coi giúp.
Ở Mỹ, có thu nhập ổn định, có nhiều tiền, nhưng Huỳnh Bửu vẫn nhớ quê, nhớ cái cù lao Xanh giữa dòng sông Tiền. Ngay khi quan hệ Mỹ - Việt Nam bình thường hóa, Huỳnh Bửu về Sài Gòn tìm mối làm ăn. Và tình trường chứ không phải thương trường đã vật anh lấm lưng trắng bụng ngay giữa căn phòng hạng deluxe khách sạn năm sao Rex, Bến Thành. "Vào Sài Gòn mười năm, giờ em mới gặp một anh Hai Nam Bộ thứ thiệt". Nàng cảm thán thốt lên trong cái lần Bửu lập chiến tích.
Bố nàng là cán bộ miền Nam tập kết, đẻ nàng trên đất Bắc, suốt hai mươi nhăm năm sống giữa lòng Hà Nội, nhưng nàng thấy có mấy đứa trai Bắc hèn hèn. Biết ba nàng làm to, nhiều cậu lân la tán tỉnh nàng, nhưng nàng biết thừa rằng họ chỉ muốn lợi dụng ba nàng để tiến thân. Huỳnh Bửu khác hẳn. Chẳng thèm để ý nàng là con nhà ai, xuất thân ra sao, thậm chí còn tỏ ra bất cần đời, phớt Ăng Lê.
Gần đến ngày Huỳnh Bửu về Mỹ, thì nàng ào đến khách sạn, kéo Bửu vào phòng, đóng chặt cửa và liên tiếp đấm hai tay vào ngực gã. "Em bắt đền anh. Anh không thể về Mỹ được đâu. Anh ra sân bay thì sẽ có người thu hộ chiếu anh lại…" "Why?" Gã bật lên một tiếng Mỹ. "Còn vì sao à? Hóa ra anh là kẻ lừa đảo…" Khi gã hiểu ra, gã liền tru lên sung sướng. Gà bế bổng nàng lên, quay tít. Đám cưới của gã và Sương Ly được gấp rút tổ chức. Các anh chị em gã từ Mỹ, Canada đều kéo về hết. Sau đám cưới họ quyết định dồn vốn để Huỳnh Bửu trở về đất mẹ tổ chức kinh doanh.
Qua bố vợ và Sương Ly, Bửu làm quen các tiến sĩ, giáo sư ở các trường đại học, các vụ viện nông nghiệp và sinh học, không chỉ ở Sài Gòn, mà tận Hà Nội. Biết Bửu từng học sinh hóa và rất say mê cây trồng, có người giới thiệu cho gã khu đất thượng nguồn sông Sài Gòn, vốn là rừng savan bị hủy diệt sau cuộc chiến tàn khốc. Bốn trăm hécta, ở thung lũng sông Sacramento, nơi gã sống bên Cali, để có diện tích như thế, phải vài triệu đô, nhưng ở vùng thượng hồ Dầu Tiếng này, gần như cho không. Tốn kém nhất là công khai phá. Rừng thứ sinh, nhưng dây dợ, cây bụi chằng chịt, chưa kể vùng lòng hồ, nhiều gốc cây khổng lồ đã thành lũa, như những khối đá chặn đường xe ủi. Cả tuần không san lấp được một công. Ấy là chưa kể bom mìn, những sát thủ của chiến tranh vẫn ẩn nấp rình rập.
Vốn của mấy anh em bên Mỹ dồn cho gã được ba triệu USD, gã có một triệu USD nữa, vậy là gã bắt đầu xây dựng nông trại, lấy tên Sương Mai, con gái của vợ chồng gã.
Bốn triệu USD cho bốn trăm hécta xoài, đó là theo tiêu chuẩn Mỹ, chứ vào tay tao, thì có thể trồng cho cả huyện Bình Long này, anh Huân tôi nói thế.
Tôi còn lạ gì kiểu giật gấu vá vai của anh Huân. Đất của anh tôi chỉ hơn trăm héc ta, lại chia năm xẻ bẩy manh mún. Sáu chục hécta xoài, hơn hai chục hécta điều, ba chục hécta cao su. Lại còn chỗ trồng cỏ nuôi bò, ven suối đào ao thả cá, nuôi lợn. Đến thăm trang trại Sương Mai, thấy cung cách làm ăn của giáo sư Xoài khác hẳn. Từ đường chính vào khu trang trại là đoạn đường trải nhựa đen bóng, với hai hàng chò chỉ thẳng tắp như tiêu binh. Khu điều hành sản xuất, tường xây, mái tôn xanh, quây theo hình chữ U, chính giữa là phòng giám đốc với logo ba lá xanh và chữ SM lồng nhau (riêng cái logo, giáo sư Xoài đã phải trả nhóm họa sĩ Đại học Mỹ thuật Sài Gòn năm ngàn USD), rồi phòng phó giám đốc, phòng khách, các phòng chức năng (tổ chức, tài chính, kế toán, xúc tiến thương mại, kỹ thuật nuôi trồng, phân bón...), phòng nào cũng có biển trắng dòng chữ xanh lá cây đặc hiệu. Đập vào mắt khách là tấm pano vẽ sơ đồ toàn trang trại, với các tiểu khu xoài Hòa Lộc, xoài tượng, xoài Cát Chu, xoài keo, xoài Xiêm Thái, xoài tứ quý... Từ trung tâm văn phòng, lại có các cọc gắn biển có mũi tên chỉ ra các tiểu khu theo các con đường được đặt tên: Ấp Bắc, Thành Đồng, Sông Tiền, Sông Hậu, Đồng Tháp, Đồng Xoài, Dầu Tiếng.
Đích thân giáo sư Xoài đội mũ cao bồi miền Tây lái chiếc xe Jeep dã chiến đưa tôi đi thăm trang trại. Ôi, hình bóng của nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta là đây chứ đâu. Tôi muốn thốt lên, nhưng vội kìm lại được. Tôi lạc vào giữa xanh mướt rừng xoài. Hun hút những con đường hầu như không có bóng nắng, mặc dù đang giữa trưa. Xoài bốn tuổi, năm tuổi đang khép tán, có lô đang ra hoa, nhiều lô đã cho lứa quả bói đầu tiên. Nếu không có biển đề và chỉ dẫn của giáo sư Xoài thì tôi không thể phân biệt mười hai loại xoài khác nhau, đâu là xoài bản địa, đâu là xoài nhập nội, đâu là xoài lai tạo.
- Em đố anh, còn thứ xoài gì trên thế giới này mà trang trại Sương Mai chưa có? - Huỳnh Bửu dừng xe, kéo tôi vào một lô xoài đang cho quả trĩu cành, thứ xoài có màu nâu phớt đỏ như loại quả kiwi.
Tôi lắc đầu, rồi chợt nghĩ ra một câu đùa nịnh:
- Xoài Sương Mai. Phải có loại xoài đặc hữu Sương Mai. Nghe nói nàng Sương Ly đẹp lắm phải không?
- Anh đúng là một nhà văn. Chiều nay nàng sẽ mang con gái lên chào anh. Không đẹp. Nhưng mà nàng sở hữu một thân hình tuyệt vời…
Tôi liếc nhìn gã. Và thấy gã hao hao giống anh chàng Thúc Sinh khi phải xa nàng Kiều.
- Anh vừa gợi cho em một ý tưởng. Có lẽ đợt này thành công, em sẽ đặt giống xoài này là xoài Sương Mai…
- Sẽ có giống xoài mới nữa a?
- Vâng. Anh người Bắc. Đã bao giờ anh được ăn xoài Yên Châu, Sơn La chưa?
Tôi ngẩn ra một lúc. Rồi bỗng vỗ hai tay vào nhau và à lên một tiếng.
- Muỗm chứ không phải xoài. Muỗm Yên Châu. Một đặc sản có thể bị mai một. Khi chín có màu vàng sẫm, đặc biệt ngọt và thơm, một mùi thơm quyến rũ… Chỉ tiếc quả hơi nhỏ.
- Đó là do không được chăm sóc. Các gia đình người Thái thường vứt hạt ra đầu nhà, mặc cho cây mọc… Anh biết em đã đi tìm và mua trái cây muỗm tổ ba trăm tuổi ở bản Chiềng Noi kỳ công như thế nào không? Còn hơn những chuyến em sang Thái Lan để tìm mua giống xoài da xanh kia, còn hơn cả khi em sang Úc và Đài Loan để lùng tìm giống xoài da đỏ và xanh tím kia. Lát nữa em sẽ đưa anh ra xem vườn ươm xoài Yên Châu… à quên, xoài Sương Mai…
Chúng tôi nhìn nhau, cả cười..
* * *
Gần hai năm sau tôi mới lại có dịp vào thăm anh Huân tôi ở Bình Phước. Vừa vào đến cổng trại, tôi đã thấy quân của anh Huân đang hùng hục chặt phá lô xoài đang trĩu trịt quả. Chiếc máy xúc Komatsu gầm gừ móc từng gốc cây to hơn bắp đùi với chùm rễ bạch tuộc bám chắc xuống lòng đất.
Anh Huân tôi bị điên hay sao? Sáu chục hécta xoài mới bói vụ đầu, hàng trăm tấn quả, đương yên đương lành sao lại phá đi? Tôi chạy bổ đi tìm anh Huân.
- Muốn tự cứu thì phải phá xoài chú ạ. Rồi anh sẽ phá tiếp hai chục hécta điều đang bói quả nữa. Ngày mai anh lên Phú Riềng đặt mua cao su giống. Anh sẽ trồng mới một trăm hécta cao su. May ra năm năm nữa cao su mới cứu nổi mình…
Tôi xót cho anh Huân như xót cho chính mình. Bẩy năm trời bao nhiêu công sức, tiền bạc, mồ hôi nước mắt , thế là đi tong.
Tôi lấy xe máy của thằng cháu, phóng sang trang trại Sương Mai. Tôi tin giáo sư Xoài không điên rồ như ông Huân.
Quả nhiên, Huỳnh Bửu vẫn như một lãnh chúa trong mênh mông rừng xoài, đang ung dung ngồi trong căn phòng máy lạnh.
-Anh Huân phá xoài trồng cao su à? - Bửu tròn mắt nhìn tôi - Sao không thấy nói gì với em. Ở hội chợ xoài thành phố tháng vừa rồi, một đồng chí lãnh đạo ngành đã nói như đinh đóng cột. Chính phủ đang gấp rút cho xây dựng nhà máy chế biến xoài một triệu tấn năm. Chủ trương đề án đã có sẵn cả rồi. Sang năm, cả vùng xoài miền Đông và miền Tây cũng không đủ công xuất đợt một. Anh yên tâm đi. Chỉ cần phát triển công nghiệp chế biến cao và chất lượng, xoài, chuối, cà phê, điều… của Việt Nam sẽ nhất thế giới. Đã hết thời bán nông sản nguyên liệu. Phải bán thành phẩm đặc hiệu với chất lượng nhất thế giới. Đồng chí lãnh đạo ấy đã khẳng định với em như vậy. Rồi người ta sẽ phá hết cao su, điều, cà phê ở miền Đông để trồng xoài. Không có một thứ trái cây nào hốt bạc như trái xoài…
* * *
Chao ơi, không ngờ đó là những giờ phút lãng mạn cuối cùng của giáo sư Xoài.
Năm sau. Rồi năm sau nữa, năm sau nữa. Không có nhà máy chế biến xoài nào được xây dựng. Mỗi mùa quả, trang trại Sương Mai phủ vàng đất. Xoài rụng chất chồng lên nhau, vàng chóe, nhung nhúc những bầy dòi trắng nhẫy.
Cũng là lúc phơi bày một cuộc tình, một gia đình tưởng là hạnh phúc. Bốn triệu USD đầu tư ban đầu, chỉ hai năm đã vùi trong đất. Dựa vào thế bố vợ và Sương Ly làm trong ngành ngân hàng, hai vợ chồng thế chấp trang trại Sương Mai vay thêm nhiều đợt vài trăm nghìn USD để tiếp tục đầu tư và nuôi dưỡng rừng xoài. Và rồi, dù đáo nợ ngân hàng nhiều lần, cũng đến lúc Sương Mai vỡ nợ.
Không biết bao nhiêu cuộc cãi lộn vợ chồng.
Huỳnh Bửu ở hẳn trên trang trại, hằng tuần, hằng tháng không về Sài Gòn nữa. Rồi đến lúc để cứu lấy mình và con gái, Sương Ly phải ký đơn ly hôn với Huỳnh Bửu. Trang trại lừng danh Sương Mai thuộc sở hữu của ba ngân hàng.
Năm sau nữa, trang trại Sương Mai có chủ mới, một đại gia có mấy khu resort ở Phan Thiết, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Phú Quốc. Biển đề trang trại Sương Mai được tháo xuống. Bốn trăm hécta xoài bị phá sạch để trồng cao su.
Bây giờ thì cao su đã thành rừng mênh mông, miên man nối từ Tây Ninh qua sông Sài Gòn sang Đồng Xoài, từ biên giới Campuchia về tới các khu công nghiệp Bàu Bàng, Chơn Thành.
Hầu như không ai biết tám năm trước từng có một trang trại bốn trăm hécta xoài với mười hai loại giống quý được sưu tầm từ khắp các miền đất nước, có cả xoài thơm từ Thái Lan, Úc, Cao Miên được chăm sóc và cho rất nhiều trái ngọt. Những người sống ở vùng này, ngay cả anh Huân tôi, cũng không biết chủ nhân của trang trại Sương Mai giờ ở đâu, còn sống hay đã chết.
Riêng tôi, với bản tính nghề nghiệp, thường hay truy sát các nhân vật của mình đến cùng. Rất may, vào dịp cuối năm, tôi gặp Sương Ly trong đợt vào Sài Gòn dự cưới đứa cháu ngoại. Ly đã nghỉ hưu, sống với con gái Sương Mai và chàng rể người Pháp. Ly buồn và ưu tư nhưng vẫn không khác nhiều so với ngày gặp tôi ở trang trại. Qua Ly, tôi biết, giáo sư Xoài của tôi đang sống ở quê nhà, ngôi nhà tổ phụ gần hai trăm tuổi trên Cù lao Xanh giữa sông Tiền.
Gặp tôi, Huỳnh Bửu quá bất ngờ, cứ như tôi là Hà Bá vừa nổi lên từ giữa sông Tiền. Anh bắc tay làm loa gọi ra phía bờ sông:
- Lý ơi, các con Bưởi, Xoài, Cam, Chanh ơi, có khách quý đến chơi nè…
Một người mẹ trẻ, hơi phục phịch dễ thương và bốn cô bé sàn sàn trứng gà trứng vịt, chừng bốn, năm, sáu, bẩy tuổi te tua chạy về. Tôi tưởng như không tin ở mắt mình.
- Có đúng là Lý, cô gái bán bar ở sân golf Thạnh Hiệp đó không?
- Trời ơi, bác Hoàng… Anh Bửu vẫn nhắc đến bác luôn. Em nhớ mãi hôm bác và anh Bửu em uống gần hết thùng bia Heineken…
Thì ra số Bửu luôn có quý nhân phù trợ. Vào lúc Ly chuỗi ra, thì Lý lại mở vòng tay đón nhận. Họ rủ nhau về Cù lao Xanh, sang sửa lại ngôi nhà cổ, rồi tham gia chuỗi du lịch Homestay khi cù lao trở thành vùng du lịch sinh thái.
Bốn đứa trẻ, xoắn lấy tôi, như tôi là người họ hàng thân thiết của chúng.
- Gần cả năm nay nhà em ở bên Mỹ đó bác - Lý sởi lởi - Bị dịch covid tưởng chết. May mà sứ quán giúp mua vé về được với mẹ con em. Bị cách ly mười bốn ngày ở Cần Thơ bác ạ…
- Thôi, mình đi kiếm mồi để anh em tôi lai rai. Gần chục năm rồi anh nhỉ - Em trốn về quê, không muốn cho ai biết. Cả anh Huân em cũng không liên lạc.
- Trốn trang trại Sương Mai để làm lại cuộc đời, bản lĩnh và khí phách lắm - Tôi nói và chỉ bốn đứa con gái đang tíu tít làm cơm giúp mẹ - Chú chỉ thêm một dấu sắc, từ Ly thành Lý, mà đổi hẳn cuộc đời. Tứ nữ bất bần, ngũ nữ sinh phú quý. Hậu vận giáo sư Xoài vượng lắm…
Bửu như chợt nhớ ra, dắt tay tôi ra góc vườn.
- Anh có đoán ra cây này không?
- Cây xoài. Chú vẫn còn mê cây xoài…
- Anh nhớ cây xoài Sương Mai anh định đặt tên không? Nó đấy. Khi về quê, em chỉ đem theo mấy cây xoài Yên Châu ở vườn ươm… Giống xoài này có thể sống lâu bằng vài đời người...
- Và quả vàng ươm, thơm lừng khắp cù lao Xanh…
Giáo sư Xoài xiết tay tôi và lảng nhìn lên trời. Hình như mắt anh ngấn ướt.
1/2021