Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài
Thứ năm, ngày 18/02/2021 18:08 PM (GMT+7)
Điển đạp mấy vòng xe đến chống chân dừng cách Lành một sải, cười, từ cái miệng rộng, vẫn nụ cười như bao lần ở trường nhưng có vẻ như... sáng lạ, như đẹp hơn giữa không gian đồi núi hiền hòa một chiều xuân.
Tranh minh hoạ truyện ngắn dự thi "Chốn riêng". (Hoạ sĩ Bùi Tiến Hòa)
"Lành..."
Giật mình vì tiếng gọi sau lưng, Lành vừa xuống xe vừa ngoái nhìn và ngạc nhiên khi thấy đó là Điển.
Điển đạp mấy vòng xe đến chống chân dừng cách Lành một sải, cười, từ cái miệng rộng, vẫn nụ cười như bao lần ở trường nhưng có vẻ như... sáng lạ, như đẹp hơn giữa không gian đồi núi hiền hòa một chiều xuân.
Lành thoáng lướt lại những hình ảnh đã qua, những góc trường, những gốc cây, những nơi hai đứa chạm ánh mắt và ẩn giấu điều gì đó khác thường của Điển, còn Lành thì làm ngơ, vẻ bộ vô tư. Mà không chỉ Điển, bởi Tầm, Nghi và Tịnh nữa, mỗi bạn mỗi vẻ, người vui vẻ hay nói, người tủm tỉm hiền khô, người giỏi toán, người giỏi đá cầu... thảy đều có vẻ ít nhiều vu vơ thích Lành?
Điển đổi tư thế, ngồi sau giá đèo, choãi chân, khoanh tay trước ngực, nom bộ thoải mái, vững chãi. Lành đứng giữ chiếc xe, vẻ lúng túng, ngạc nhiên hỏi:
"Có việc chi hả Điển?"
Điển thản nhiên:
"Không, đi chơi thôi, không được à?"
"Ừ, cũng được, nhưng thấy lạ lạ".
"Ừ, lạ, kể cũng lạ. Có một chút... thời gian, thấy buồn chân nên cứ đạp theo sau Lành".
"Đi thấy xa không? Mệt không?"
"Ừ, hơi xa, nhưng khỏe chớ mệt chi. Mà, Lành đi học... xa thật".
Lành đá chân chống xe, chân co chân duỗi ngồi một bên sau giá đèo. Nói qua nói lại rồi cũng thấy hơi gượng, giữa đường nhỏ, giữa núi đồi, giữa một chiều xuân rét nhẹ, nắng nhẹ, lộc đang nhu nhú non tơ bên ít lá xanh già sót lại. Cả hai còn nguyên đồng phục trường, quần xanh đen, áo sơ mi trắng, áo khoác màu xanh lá có hai nhấn sọc trắng ngang ngực. Cả hai vừa trải qua nửa buổi chiều với hai tiết học bù, là hai tiết tập làm văn. Thầy không cho làm bài ở nhà, chín mươi phút làm văn, mất nguyên buổi chiều vì thầy luôn muốn có bài viết... đúng người đúng của.
Điển cười hỏi:
"Lành làm bài tốt không?"
"Ờ, cũng tạm thôi. Nghĩ lại, lại thấy chỗ dư, chỗ thiếu..."
"Mình thì gắng mãi cũng bảy rồi bảy phẩy năm, thèm con tám tập làm văn mà khó ghê".
"Bảy điểm của thầy cũng... chất rồi".
"Chất, thì muốn hơn nữa mà".
"Thế cũng khối bạn mơ rồi. Mình lần này lo khéo không được bảy đây"
"Điêu. Toàn tám với chín, xinh thế lại còn giỏi nữa..."
Lành ửng hồng đôi má, nhìn xa nói:
"Điêu cũng được, xinh với giỏi thì thôi, mình... không nhận".
"Không nhận thì thiệt".
Lành không để ý Điển nói gì nữa vì bị ý nghĩ vu vơ, mông lung kéo đi. Phải tin cuộc đời tốt đẹp, tin vào mình, phải hi vọng điều tốt đẹp ở đời. Ai cũng hi vọng, tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn chứ?! Chọn ở lại với người chồng ấy, với con thuyền ấy, cảnh sống ấy, vì sao? Vì biển kia, đời kia còn đáng sợ hơn ư? Vậy là có nhiều điều đáng sợ hơn nữa bao quanh - trong cái nhìn đời của người đàn bà làng biển đầy khổ đau ấy? Đúng là bài văn Lành chưa tận ý được, hơi lộn xộn lủng củng nữa.
Người đàn bà làng biển đó không bỏ chồng là vô lí hay có lí? Nên hay không nên? Chi tiết thực hay không thực? Nhà văn không thực tế? Học trò còn non nớt trước đời sống, chưa hiểu thấu, chưa hiểu tận cùng? Cả lớp từng nhao lên tranh luận trong giờ học, cái phe đồng ý không bỏ chồng là phe yếu, mấy bạn nam bạo miệng, chẳng phải sâu sắc gì.
Thử hỏi, đó là mẹ mình, chị mình thì sao? Người đàn bà khổ đến thế mà sao lại không chịu thay đổi? Sao không gắng tìm cuộc sống mới? Lại xin đừng bắt phải bỏ chồng. Cuộc sống không có đủ tốt lành cho cho cô ấy tin? Cô ấy hiểu cuộc đời lắm ư?! Hay do con người hạn hẹp? Hay do thực tế, do cuộc đời khó hiểu?
"Lành, nghĩ chi mà đơ ra rứa?"
Điển cầm nhành lá rướn người cù đầu ngọn sang má Lành, Lành né và cười, má nóng ửng.
"Má hồng hồng như có phấn nha".
Bỗng có bóng người từ phía khe đi ra. Lành nhận ra đó là cậu của mình. Cậu ấy vào khe có việc gì? Chẳng mấy khi cậu ấy vào khe. Có việc gì không nhỉ? Ông bà, người nhà có ai bị làm sao?
"Cậu Toàn..."
Lành gọi khi người đàn ông trung niên gầy gò khắc khổ đạp xe đến gần, đưa mắt qua. "Ừ" một tiếng rồi đạp lướt mất. Thoáng nghe mùi mồ hôi từ quần áo phả lại. Lành tần ngần nhìn theo. Tội nghiệp, từng có xe ô tô nay đi xe đạp của vợ, mới bốn mươi tuổi mà nom... tả tượi, xộc xệch, da bọc xương, xạm khô lại. Hay cậu ấy vào quây đòi mẹ Lành chuyện tiền bạc? Là cùng lắm mới thế chứ mẹ có tiền của gì đâu!
Điển hỏi:
"Cậu của Lành à?"
"Ừ!"
"Trông cậu có vẻ... khổ? Thấy tội. Mình không hiểu..."
"Ừ, Điển không hiểu được mô"
Thật ra đó không phải là cậu ruột của Lành. Câu chuyện dài, không biết có nên nói cho Điển biết?
"Không thấy Lành mời về nhà chơi thì ngồi xuống đây cho đỡ mỏi."
Chiều nắng mơ vàng, cây cỏ thơm hương. Lành cũng bỏ xe miễn cưỡng ngồi xuống, lặng im nhìn về thung lũng, đồi núi nhấp nhô trước mặt.
"Lành định thi sư phạm à?"
"Ừ. Định thi sư phạm nhưng đổi rồi. Thi và học đã khó, đi xin việc nghe nói lại còn khó gấp mấy. Nhiều người học xong gói bằng cấp bỏ tủ rồi nuôi lợn, đi xe ôm đấy Điển. Điển thi Đại học Quân Sự phải không?"
"Ừ".
"Có những trường khỏi lo đi xin việc, nhưng khó thi vào, nghe đâu còn có chuyện tiêu cực nữa. Điểm chuẩn cũng cao ngất, cỡ hai bảy trở lên, trong khi có trường tuyển mười ba, mười bốn điểm... Lệch nhau quá đúng không? Mà thôi, kệ đi..."
"Ừ, nhiều chuyện, nhiều tin..."
Cả hai im lặng như chỉ muốn nghe ngó gió mây núi đồi. Im nghe thiên nhiên như thế cũng thú vị, nhưng Điển lại hỏi:
"Lành nghĩ chi?"
"Ừm... Điển biết không, cậu Toàn đó, cậu ấy hiền lành và đẹp lắm mà rồi hư hỏng, làm buồn bã hẳn bao nhiêu con người".
"Rứa ư?"
"Học xong cậu đi xa kiếm nghề, đi mấy năm rồi cậu về quê xin ông bà bán một nửa vườn mua xe ngày ngày lên huyện, ai gọi chở gì thì chở đó. Được ít lâu cậu bán xe, loanh quanh làm những việc không rõ ràng, đi về thất thường, rồi nợ nần chồng chất, ông bà cắt tiếp vườn bán trả nợ. Mảnh vườn đầy hoa quả, rau củ... tiếng bà vẫn cười nói từ vườn ra chợ, rồi dần co lại, thiếu thốn, buồn hiu... Buồn hiu. Hồi Lành lên sáu thì từ khe ra làng ở với ông bà, đi học, trông em cho cậu mự. Sau này, Lành về khe tự đạp xe đi học, thỉnh thoảng ghé vào làng thăm ông bà, đó cũng là thời gian nhà ông bà nhỏ hẹp, túng bấn, buồn hiu".
"Hóa ra rứa. Lành không nói thì mình không biết".
Hai mẹ con nhà Lành vẫn vậy. Tranh, tre, nứa... làm chỗ chui ra chui vô. Gốc cây thì buộc võng, đặt chõng, cảnh sống hai mẹ con Lành thanh bần, an lạc. (Tranh minh hoạ: Hoạ sĩ Bùi Tiến Hòa).
Điển nhìn sang Lành, phần má Lành mịn màng lơ thơ mấy sợi tóc đen mềm, cái mũi hếch lên mềm mại... Lành cũng ngoảnh nhìn lại. Chuyện khiến ánh mắt đen sáng vô tư của Điển có sự thấm thía, cảm thông, chia sẻ?!
Nghe, Điển cũng thấy lòng không còn rỗng như trước, thêm một số điều chưa biết về Lành, mấy lời nhỏ nhẹ thôi mà thấy lòng nằng nặng, nặng. Suy tư. Những gì Lành vừa nói, là đời sống tâm hồn của Lành, là nỗi buồn của Lành. Nỗi buồn nó khiến cho Lành đáng thương yêu hơn. Ánh mắt của Lành cũng khác trước, nó chứa đựng nhiều hơn? Thăm thẳm hơn? Điển thấy buồn lây và... xốn xang.
Lành nhìn xa xa trập trùng thung lũng, đồi núi, nhớ hồi Lành ở làng, thấy nhà nào cũng vườn rộng, nhiều hoa, nhiều quả, con đường làng hoa chanh, hoa bưởi, hoa mướp, hoa bầu rực rỡ, thơm ngát. Vậy mà mấy năm Lành về khe với mẹ nó dần dần đổi khác. Đất đai vườn tược bị chặt phá, chia nhỏ, xây cất lại. Ruộng lớn, đất bãi thấy xe công nông, xe ben chạy mù mịt, rồi mọc lên nhà xưởng, mọc cả công ty. Bao đổi khác, mới đầu thấy lạ, thế rồi nằm im ngổn ngang ra cả. Nhưng chuyện của làng nước, đẹp xấu cũng chỉ biết vậy rồi thôi.
"Thôi, mình về đi Điển, cũng muộn rồi, Điển về xa".
"Còn sớm mà, ngồi chơi chút nữa, nói chuyện... cậu Toàn... rứa con cái cậu ấy học lớp mấy rồi?"
"Hai anh em Bắp và Đậu đứa lớp bốn, đứa lớp hai, hai đứa dễ thương lắm! Lành bế bồng, nách ôm chúng từ bé tí mà, nay còn thơ dại lại nhếch nhác nữa, ông thì lẩn thẩn, bà, mự thì héo mòn. Cái nhà, chỗ trú sống còn lại, cậu ấy đòi bán. Xưa vườn rộng ăn mỏi miệng, nay còn chút đất hẹp, cà, mướp... còi cọc như người, đến hoa của nó cũng nở trong run rẩy lo chết".
"Ừ, con người không lẽ lại cứ tự đưa mình vào chỗ khổ nhục? Mà quay lại sống đời bình thường không lẽ lại khó?"
"Ừ, Lành cũng nghĩ rứa. Lành nghĩ tiếc, thấy phí cái đời của cậu ấy, thấy thương mọi người, thương Bắp và Đậu".
Im lặng. Lành chợt nghĩ, anh chồng kia làm lụng, sống cực khổ trên thuyền, đánh vợ bầm dập đòn roi thế hẳn còn thua xa kiểu đánh người của cậu Toàn...
Sực thấy mặt trời sắp lặn, Lành sốt ruột đứng ngay dậy nói:
"Thôi, mình về đi, muộn rồi!"
"Điển cứ muốn ngồi mãi đây".
"Thì Điển ngồi một mình đi, ngồi một mình cũng hay mà, mình thì phải về".
Mặt trời sắp khuất bên kia đồi. Hoàng hôn tới nơi rồi và đêm sẽ xuống rất nhanh.
Điển chậm rãi đứng lên vươn vai. Lành nhìn lướt cái dáng chàng thanh niên cao lớn rắn rỏi, rồi vội vàng nói tạm biệt:
"Mình về nha!"
"Lành... có con chi bò trên, trên, ghé coi cho, rồi."
"Con chi?"
"Con chi chi, con... má đỏ à?!"
"Con má đỏ à? Cười chi?"
"Cười cái con má đỏ".
"Đùa à? Thôi, mình về nha".
"Ừ, mà này, hôm khác nhớ mời mình đến nhà chơi nha?!"
Điển vẫy tay và cười tạm biệt.
Mời, Lành ngại lắm. Lành chăm lo bài vở, lo phụ mẹ nuôi trồng, lo chở kèm rau đồ ra nhập cho chợ, bán... chẳng nghĩ gì thêm. Lành muốn tất cả là bạn bè thật vô tư. Điển cũng vậy.
Cuối con đường có khe Lành, có mái nhà nhỏ bằng cây rừng, tre, nứa, tranh của mẹ con Lành, một nơi đầy chim chóc, cây cỏ, lẫn gà qué đủ cỡ, đủ màu, có hai con chó và khi thì một hoặc hai con lợn. Mẹ con Lành bận luôn chân luôn tay.
Đường nhỏ, Lành đi từ từ tránh ổ gà, rãnh. Nhiều hôm sợ muộn học nên xe và người lao đi, nảy lôm chôm chứ đâu có được đi thong thả, từ tốn.
Con đường về khe tỏa chút nắng cuối cùng, hiu hiu gió lạnh, hiu hiu hương cây lá. Con đường này gần như chỉ mình Lành và nó. Từ nhỏ Lành đã quen cái vắng vẻ, đi bộ, đi xe, đi vào thăm mẹ, đi thăm ông bà, đi học, đi chợ.
*
Lành biết Lành không phải con đẻ mẹ An. Mẹ An kể, một sáng sớm tinh mơ, trời đầy sương mù, ngoài khe có tiếng khóc nhỏ bé... Từ đó mẹ An có Lành. Mẹ đặt tên là Thu Lành, mẹ An, con Lành. Khe nhỏ không có tên, rồi cũng được gọi là khe Lành.
Người mẹ bỏ Lành đi như vậy trong lòng hẳn sẽ đau khổ mãi? Lành không hề trách giận mà thương, Lành thấy thương cả hai người mẹ, vẫn luôn nghĩ về người mẹ đã mang nặng, đẻ đau, rồi vì hoàn cảnh sao đó mà đành? Mẹ An tật nguyền, một nửa người bị teo nhỏ, bà nói mẹ An bị trận ốm lúc ba tuổi thoát chết, rồi lớn lên cứ dần ra vậy. Ngày đó ông bà không cho mẹ vào khe nhưng mẹ An nằng nặc, năn nỉ mãi. Mẹ tha thiết nên ông bà cũng đành. Ông vào rừng chặt cây làm nhà cho mẹ. Bây giờ nhà hỏng ông không giúp được nữa, mẹ con Lành phải tự lo lấy. Lành lớn rồi, Lành và mẹ cũng lo liệu được ổn mỗi khi nhà có chỗ hư hỏng.
Lành về đến nhà thấy mẹ đang lúi húi cho lợn ăn.
"Mẹ ơi, mẹ cho con lợn này ăn với, nó cũng đói lắm rồi..."
"Con về muộn rứa à? Có việc chi à? "
"Không có chi mẹ ạ, con nói chuyện với bạn chút".
"Làm mẹ lo lo. Thì tắm rửa rồi chuẩn bị ăn cơm".
"Dạ!"
Lành dựng xe đạp vào chái, nói:
"Còn làm chi để con làm với mẹ?"
"Không, xong hết rồi".
Lành đi tắm. Chỉ chút nữa thôi là tối, không dò dẫm thì cũng phải đèn đuốc.
Bài văn, người chồng của người đàn bà trên biển, cậu Toàn, Điển, họ chẳng có gì liên quan cả nhưng cùng trong một chiều khiến Lành nghĩ ngợi.
Lành tắm ào xong thì giục mẹ tắm. Trời sáng nhờ nhờ, gió xuân thổi, gió cời chỗ tro than đang ngún góc vườn. Mùi khói lá khô thơm. Những đốm than đỏ hồng bay. Ngọn lửa nhỏ chợt bùng sáng.
Mẹ đi tắm. Lành loay hoay chờ mẹ rồi vào bếp dọn cơm. Mùa lạnh ăn bên bếp là sướng nhất. Có lẽ ít bạn nào biết mẹ con nhà Lành có một cái bếp được làm bằng tre, cây rừng, dây lạt, mái tranh, tường bằng đất và rơm... thế này. Mẹ Lành nói ngày trước nhà nghèo ở nhà như vậy. Ngày trước vậy, mà đến nay hai mẹ con nhà Lành vẫn vậy. Tranh, tre, nứa... làm chỗ chui ra chui vô. Gốc cây thì buộc võng, đặt chõng, cảnh sống hai mẹ con Lành thanh bần, an lạc.
Có tiếng nhái kêu thất thanh phía khe. Chắc nó không thoát chết? Đêm đến chỉ sợ rắn thôi.
"Mẹ ơi!"
"Đây, mẹ xong rồi!"
"Con đói meo rồi mẹ ạ!"
"Ừ, ăn đi con. Ăn rồi còn học hành..."
Mẹ Lành chui vào trong mái bếp, Lành cười nói:
"Ăn thôi, ăn nhanh cho mẹ học bài".
Mẹ An cười:
"Mi học chứ mẹ học chi".
Hai mẹ con bên chiếc bàn tre nhỏ, Lành tủm tỉm nói:
"Con nói thật, mẹ cũng phải học ngoại ngữ, ước mơ của con là sẽ đưa mẹ đi khắp thế giới đấy. Mẹ nghe này, chúc buổi tối tốt lành thì nói là good evening".
"Gút gút, ăn đi con".
"Ha ha...". Hai mẹ con cười nghe ấm ran bếp. Cơm tép rang và ngọn bù luộc. Ấm, thơm ngon... Chợt nhớ đến cậu Toàn, Lành định hỏi mẹ nhưng rồi thôi. Để mẹ ăn bữa cho ngon, cho đêm được yên lành.
Tin cùng chủ đề: Thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.