Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận với quy mô hơn 158ha. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thuận được giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô khoảng 158ha, với tổng vốn hơn 1.621 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 486 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại huyện Mỹ Lộc và huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và có thời hạn thực hiện 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.
Theo quyết định, UBND tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và các nội dung đã thẩm định. Đồng thời chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án.
Đặc biệt, nhà đầu tư là Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong phải ký quỹ, góp đủ số vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án, bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp đầu tư các dự án và hoạt động kinh doanh khác ngoài dự án này.
Ngoài ra, Thủ tướng giao UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Đây là một tin vui với các nhà đầu tư tại tỉnh Nam Định, bởi dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là ngành công nghiệp.
Hiện nay, tỉnh Nam Định cũng đang thực hiện dự án Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông - Aurora IP với tổng diện tích hơn 2.000 ha, Aurora IP tại thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định do Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) làm chủ đầu tư.
Đây là dự án hướng tới xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bền vững và mô hình khu đô thị công nghiệp, đảm bảo an ninh cuộc sống cũng như môi trường làm việc thuận lợi cho các chuyên gia, công nhân ngay tại khu công nghiệp.
Ở giai đoạn 1 trên tổng diện tích gần 520 ha, các mảng xanh, vườn ươm, hệ thống đường nội khu, khu vực hạ tầng kỹ thuật và hậu cần đã bao phủ hơn 1/3 diện tích. Như một "khu công nghiệp trong rừng", Aurora IP được bao quanh bởi tường rào cây phi lao và hệ thống kênh đào dài khoảng 17 km thay cho lớp tường bê tông như nhiều khu công nghiệp truyền thống, kết hợp hài hoà với khu vực rừng ngập mặn trải dài phía Tây Nam.
Không chỉ có mật độ cây xanh ấn tượng, chủ đầu tư còn có nhiều dụng công trong việc bảo vệ môi trường từ hệ thống chiếu sáng và giám sát công cộng (khuyến khích sử dụng điện từ năng lượng mặt trời), hệ thống cấp nước (đầu tư hệ thống khai thác và xử lý nước sông thay vì hút nước ngầm), xử lý chất thải, v.v.
Đặc biệt hơn cả, với hệ thống xử lý nước thải với công suất lớn thứ hai Việt Nam (110.000 m3/ngày đêm) và hệ thống nước sạch từ nguồn nước mặt, Aurora IP sở hữu đầy đủ tiềm lực phát triển để đầu tư xây dựng các nhà máy hạ tầng kỹ thuật cao, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khâu dệt nhuộm. Theo định hướng này, Aurora IP được kỳ vọng sẽ từng bước tháo gỡ điểm nghẽn của ngành trong khâu dệt nhuộm, góp phần phát triển nguồn cung bền vững cho ngành dệt may Việt Nam trong thời gian dài hạn.