Tổng cộng 14 tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã đi vào vùng biển của Nhật Bản từ 1/2 đến tối 28/2, Bộ chỉ huy Cảnh sát biển khu vực 11 có trụ sở tại Naha, Nhật Bản cho biết.
Trước đó, vào tháng 1, chỉ 6 tàu Trung Quốc quấy nhiễu vùng biển Nhật Bản. Năm ngoái, theo thống kê, từ 0-12 tàu Trung Quốc làm như vậy mỗi tháng.
Vào hầu hết các lần vi phạm vùng biển Nhật Bản trong tháng 2, các tàu Trung Quốc đều theo dõi các tàu đánh cá Nhật Bản hoạt động trong khu vực. Một số tàu của Trung Quốc được trang bị những vũ khí có vẻ giống đại bác.
Một quan chức Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết, các tàu tuần tra của Trung Quốc "đã tiếp cận các tàu đánh cá của Nhật Bản thường xuyên hơn bao giờ hết".
Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ dừng các hoạt động khiêu khích ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nhưng cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Nhật Bản muốn gây áp lực quốc tế lên Trung Quốc bằng cách thuyết phục thế giới rằng luật hải cảnh mới của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các tàu tuần tra của Trung Quốc đã yêu cầu các tàu đánh cá Nhật Bản rời khỏi vùng biển thông qua radio và bảng thông báo điện tử.
Luật hải cảnh mới của Trung Quốc trao cho các cơ quan tuần tra hàng hải của nước này quyền buộc tàu thuyền của các quốc gia khác rời khỏi vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Luật cũng quy định rằng vũ khí có thể được sử dụng nếu chủ quyền hoặc quyền tài phán của Trung Quốc bị xâm phạm.
"Luật hải cảnh (của Trung Quốc) có các điều khoản không rõ ràng về các vùng biển áp dụng và có vấn đề về thẩm quyền sử dụng vũ khí và tính nhất quán với luật pháp quốc tế", Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tuyên bố.