Dân Việt

Đỗ Thị Ánh Nguyệt: Tuổi thơ gian khó và "mũi tên" Olympic

Tuệ Minh 03/03/2021 09:10 GMT+7
Nhìn vẻ ngoài xinh xắn của hot girl Đỗ Thị Ánh Nguyệt, ít ai biết cung thủ đã giành vé dự Olympic Tokyo từng trải qua tuổi thơ gian khó.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt: "Chị Đào chỉ bảo tôi nhiều!"

Cuối năm 2019, bắn cung Việt Nam đón nhận tin vui khi VĐV Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt giành 2 tấm vé dự Olympic Tokyo 2020.

Tấm HCĐ giải vô địch châu Á 2019 tổ chức tại Thái Lan cách đây gần 1,5 năm là một giấc mơ có thật đối với Ánh Nguyệt khi đó mới 18 tuổi.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt: Tuổi thơ gian khó và "mũi tên" Olympic - Ảnh 1.

Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt (áo xanh) giành HCĐ giải vô địch bắn cung châu Á 2019 cùng tấm vé dự Olympic Tokyo.

Tâm sự với Dân Việt những ngày đầu năm mới 2021, cô gái quê Lạc Hồng (Văn Lâm – Hưng Yên) kể:

"Tôi bắt đầu theo thể thao ở môn bóng rổ năm 2016. Nhưng sau khoảng nửa năm tập luyện, các thầy phát hiện tôi có tố chất ở môn bắn cung hơn nên đã chuyển sang, bắt đầu làm quen năm 2017.

Tôi nghĩ tấm vé Olympic mình giành được là sự may mắn và cũng là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của tôi trong 2 năm.

Càng vui hơn khi sau đó, tại SEA Games 2019 (Philippines), tôi đã giành được HCV đồng đội nữ cùng với "đàn chị" Lộc Thị Đào, Nguyễn Thị Phương".

Nói thì nhanh nhưng để có được thành công ban đầu trong sự nghiệp theo đuổi niềm đam mê, đã có những thời điểm Đỗ Thị Ánh Nguyệt định từ bỏ:

"Khi bước vào môi trường thể thao chuyên nghiệp, tôi cảm thấy rất mệt với những bài tập chống đẩy, chạy, tập tạ…

Có lúc tôi tưởng như mình không theo được nữa, muốn bỏ tập, về nhà đi học tiếp. Nhưng nhờ sự động viên của các đồng đội, chứng kiến sự nỗ lực, ý chí, sự cố gắng không ngừng của mọi người, tôi cũng cố "theo kịp" và dần quen với những bài tập thể lực", Đỗ Thị Ánh Nguyệt chia sẻ.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt: Tuổi thơ gian khó và "mũi tên" Olympic - Ảnh 2.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt (ngoài cùng bên phải) cùng Lộc Thị Đào, Nguyễn Thị Phương giành HCV đồng đội cung 1 dây nữ SEA Games 2019.

Với Đỗ Thị Ánh Nguyệt, dù đã giành vé dự Olympic Tokyo nhưng trong suy nghĩ của mình, "đàn chị" Lộc Thị Đào vẫn là một VĐV đẳng cấp, dày dạn kinh nghiệm, từng giành nhiều huy chương quốc tế cho bắn cung Việt Nam mà minh chứng rõ nhất là "cú hat-trick" HCV đơn nữ, đôi nam nữ, đồng đội nữ SEA Games 2019:

"Ngay từ khi mới tiếp xúc với chị Đào, tôi đã cảm thấy chị là một người dễ gần, hòa đồng với mọi người. Bản thân tôi được chị Đào chỉ bảo những chuyện trong sinh hoạt, cuộc sống.

Là VĐV trẻ, tôi không tránh khỏi những lúc bị tâm lý khi thi đấu. Những lúc đó, chị Đào cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp tôi tìm được sự cân bằng, ổn định, rút ra được nhiều bài học để hoàn thiện khả năng chuyên môn", Đỗ Thị Ánh Nguyệt bày tỏ.

Tuổi thơ gian khó!

Lẽ thường, các VĐV Việt Nam xuất thân từ con nhà nông đều có nền tảng sức khỏe rất tốt do đã quen với công việc đồng áng, thức khuya dậy sớm phụ giúp cha mẹ từ nhỏ.

Việc Đỗ Thị Ánh Nguyệt gặp nhiều khó khăn trong những bài tập thể lực trong những ngày đầu theo nghiệp thể thao chuyên nghiệp có phần "lạ". Thêm vào đó, vẻ ngoài "hot girl" của cô khiến nhiều người nghĩ Nguyệt từ nhỏ đã được gia đình cưng chiều lắm!

Nhưng thực tế, gia cảnh Ánh Nguyệt khá đặc biệt. Mẹ cô mất sớm, cha dành hết tình yêu thương, bù đắp cho con gái.

"Gia đình tôi từ nhỏ rất khó khăn chỉ có 2 bố con lo cho nhau nên tôi cũng tự lập, chững chạc hơn bạn bè đồng trang lứa.

Sau này bố tôi đi bước nữa, gia đình cũng ổn hơn. Khi tôi quyết định theo thể thao, ban đầu gia đình không ai đồng ý.

Phải đến khi tôi thi xong cấp 3, với sự thuyết phục từ các thầy ở Hà Nội và tôi cũng mãi gia đình mới cho theo nghiệp thể thao", Đỗ Thị Ánh Nguyệt bộc bạch.

Ý thức rõ nghề nghiệp của mình, Ánh Nguyệt luôn tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa trong từng buổi tập để vượt qua những giới hạn của bản thân.

"Tôi thích những câu châm ngôn mình vô tình đọc được đâu đó trên mạng xã hội và viết lên trang cá nhân của mình như một cách tạo thêm động lực.

Ví dụ như câu: "Bạn phải làm những điều bạn nghĩ bạn không thể" chẳng hạn. Lúc này, tôi vẫn tiếp tục tập luyện thật chăm chỉ để có màn thể hiện tốt nhất khi Thế vận hội diễn ra.

Điều quan trọng là mình phải làm hết sức để không phải hối hận", Đỗ Thị Ánh Nguyệt thể hiện quyết tâm.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt: Tuổi thơ gian khó và "mũi tên" Olympic - Ảnh 4.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt chăm chỉ tập luyện hướng tới Olympic Tokyo và SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam cuối năm nay.

Khi Dân Việt đặt câu hỏi về việc có cảm thấy sốt ruột khi Olympic Tokyo bị hoãn lại 1 năm hay không? Đỗ Thị Ánh Nguyệt đáp:

"Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát ở phạm vi toàn cầu và tôi không chắc Thế vận hội có được diễn ra hay không hoặc diễn ra vào thời điểm cụ thể nào.

Tôi chỉ biết tập luyện, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho các giải trong nước, quốc tế và sẵn sàng nhập cuộc.

Với tôi, giải nào cũng quay trọng và tôi đều phải cố gắng. Tôi không hề cảm thấy sốt ruột chút nào khi Olympic Tokyo bị hoãn. Càng kéo dài thời gian thì tôi càng có thêm thời gian chuẩn bị".

Hướng tới Olympic Tokyo dự kiến sẽ diễn ra từ 23/7 đến 8/8/2021, Thể thao Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu giành 20 "vé" dự Thế vận hội.

Đến lúc này, Thể thao Việt Nam đã có 5 suất. Ngoài Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), 3 VĐV đã có "vé" là Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Văn Đương (boxing).