Vụ việc bà Trần Huyền Trang (31 tuổi) được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Vĩnh Phúc gây chú ý dư luận. Nhiều bạn đọc quan tâm đến việc bổ nhiệm công chức, bổ nhiệm lãnh đạo cần những điều kiện gì?
Về khái niệm bổ nhiệm công chức, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, tại Điều 7, Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 nêu rõ: "Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật".
Việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ theo nhiệm kỳ trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp huyện được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tùy theo chức vụ và chức danh cán bộ mà áp dụng quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khi đã xét người đó có đủ điều kiện do pháp luật quy định theo đúng trình tự, thủ tục.
Về điều kiện bổ nhiệm công chức bắt đầu từ tháng 12/2020 áp dụng nhiều quy định mới.
Theo Điều 51 Luật cán bộ công chức, điều kiện bổ nhiệm theo 2 căn cứ cụ thể: nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Tại Điều 42 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, để được bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ phải đảm bảo 6 điều kiện:
Thứ nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ 2, phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. Trường hợp cơ quan, tổ chức mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ 3, có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Thứ 4, điều kiện về độ tuổi bổ nhiệm:
Công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 5 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Công chức được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 5 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền thì tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ.
Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản này.
Thứ 5, có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
Thứ 6, không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Đặc biệt, khoản 2 Điều 51 Luật Cán bộ công chức nêu rõ, thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 5 năm. Nhưng nếu pháp luật chuyên ngành và cơ quan có thẩm quyền có quy định khác thì thực hiện theo quy định đó. Khi hết thời hạn này, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.