Dư nợ tín dụng chính sách tăng
Năm 2020, bên cạnh ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung, huyện Quảng Ninh nói riêng còn phải gánh chịu liên tiếp 2 đợt mưa lũ lịch sử làm thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn ấy, huyện Quảng Ninh vẫn đạt những kết quả đáng khích lệ như tổng thu ngân sách đạt 310 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 43 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,63%. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của tín dụng chính sách - một trong những điểm tựa tin cậy của người nghèo.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh - Hoàng Đại Túy chia sẻ: Năm 2020 - một năm đầy rẫy khó khăn và thách thức do thiên tai và lũ lụt nhưng Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh vẫn chủ động hoàn thành tốt công tác huy động nguồn vốn và kế hoạch tăng trưởng dư nợ.
Ngay từ đầu năm, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện bổ sung đạt 650 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch; dư nợ tăng so với đầu năm 8.598 tỷ đồng.
"Năm 2021, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn duy trì hàng tháng ở mức dưới 0,10%; bảo đảm 100% khoản nợ đến hạn, quá hạn, nợ rủi ro bất khả kháng được xử lý kịp thời theo quy định. Các chỉ tiêu về doanh số giải ngân, thu nợ, thu lãi tại điểm giao dịch xã đạt trên 95%; 100% điểm giao dịch xã chuẩn hóa theo quy định, các phiên giao dịch đạt chất lượng, an toàn, theo đúng quy trình mới".
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH
huyện Quảng Ninh - Hoàng Đại Túy
Tổng dư nợ đến hết năm 2020 đạt trên 337 tỷ đồng với 7.847 hộ còn dư nợ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh và mưa lũ kéo dài nhưng chất lượng tín dụng của huyện Quảng Ninh vẫn được bảo đảm, với nợ quá hạn chỉ chiếm 0,10% tổng dư nợ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cũng như ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh đã nỗ lực cao nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, ngân hàng đã phối hợp với Ban giảm nghèo các xã, thị trấn, hội đoàn thể và các tổ TKVV kịp thời xử lý khoanh nợ và gia hạn nợ bị rủi ro do lũ lụt tháng 10/2020 với 1.304 món vay, số tiền hơn 62 tỷ đồng...
Đồng thời, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh thực hiện phương án bảo đảm hoạt động liên tục của phòng giao dịch trong suốt giai đoạn dịch bệnh, hỗ trợ bà con trong dịp mưa lũ tháng 10 với 194 phiên giao dịch (trong đó có 176 phiên giao dịch định kỳ và 18 phiên giao dịch tăng thêm).
Giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội
Bước sang năm 2021, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh xác định luôn đồng hành, sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, để hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ theo chỉ tiêu Ngân hàng CSXH tỉnh giao, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương; tranh thủ tối đa việc bổ sung nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khi có thể.
Đồng thời, Ngân hàng CSXH huyện cũng tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu cho HĐND, UBND huyện tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, bảo đảm đạt và vượt kế hoạch tăng trưởng năm 2021 được giao.
Riêng trong tháng 1/2021, UBND huyện Quảng Ninh đã chuyển 900 triệu đồng từ nguồn ngân sách theo nghị quyết của HĐND huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh để phục vụ cho vay người nghèo.