Dân Việt

Cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”: “Bất ngờ, vui mừng và thắng lợi”

PV 04/03/2021 06:00 GMT+7
Đó là đánh giá của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” do Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tổ chức thời gian qua.

Cuộc thi truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tổ chức nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày ra mắt số báo đầu tiên, diễn ra từ tháng 4/2019 tới tháng 4/2021.

Cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”:  “Bất ngờ, vui mừng và thắng lợi” - Ảnh 1.

"Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" của Báo NTNN/Dân Việt bước đầu đã thành công, giúp xã hội có cái nhìn mới về nông thôn, nông dân".

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bày tỏ, ý tưởng phát động và tổ chức cuộc thi của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt là một sáng kiến hay: "Lâu nay trong văn học Việt Nam mảng đề tài nông thôn hình như bị phai nhạt, ít được chú ý, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào thành thị. Việc phát động cuộc thi này của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt là một dịp để nhắc nhở cho mọi người nói chung, giới đọc văn chương nói riêng và đặc biệt là cho những người cầm bút viết văn chương, rằng chúng ta có một làng quê rộng lớn, và trong đó có những mảnh đời là nông dân. Trong chặng đường phát triển kinh tế thị trường, cải cách, đổi mới thì họ rất đáng được quan tâm và có mặt trong văn chương".

Cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”: “Bất ngờ, vui mừng và thắng lợi” - Ảnh 3.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" có thể gói gọn trong ba từ: Bất ngờ, vui mừng và thắng lợi: "Khi nhận lời gửi gắm của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tham gia tổ chức cuộc thi này, tôi và lãnh đạo báo có chia sẻ một mối lo không biết có nhiều người hưởng ứng cuộc thi hay không? Tuy có cuộc phát động ở thủ đô Hà Nội, TP.HCM, bản thân tôi cũng kêu gọi nhiều cây bút trong giới văn chương tham gia, nhưng nỗi lo vẫn còn đó vì mảng đề tài này lâu nay không được chú trọng, hơn nữa viết về nông thôn thời kỳ hội nhập thì không phải dễ. Nhưng bất ngờ là Ban tổ chức nhận được rất nhiều truyện ngắn gửi về tham dự cuộc thi. Nhiều tác phẩm của những cây bút không chuyên, của các nhà văn nổi tiếng, có những lão nông, cụ già cao tuổi cho tới người khiếm thị cũng tham gia. Có thể nói trong mỗi chúng ta đều có một "người nhà quê", nên khi có cuộc thi này thì rất nhiều người đều muốn chung tay tham dự" - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho hay.

Về sự "vui mừng" mà mình đánh giá, nhà thơ Phạm Xuân Nguyên cho biết thêm, trong quá trình nhận và đọc tác phẩm dự thi, ông nhận thấy các tác phẩm dù ở mức độ nghệ thuật khác nhau nhưng đều đảm bảo yêu cầu kết cấu, lớp lang, nhân vật, tình huống, xung đột cụ thể của một truyện ngắn. Bên cạnh đó, về mặt đề tài được các tác giả khai thác trên nhiều khía cạnh của "Làng Việt thời hội nhập". Khó khăn trong việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, xung đột gia đình, dòng họ, đấu tranh trong con đường làm ăn mới với lề thói cũ… đều được các tác giả phân tích, lý giải, tìm hiểu những chuyển động trong đời sống, tâm tư của người nông dân thời hội nhập.

"Tôi tin cuộc thi sẽ tìm ra được truyện ngắn xuất sắc để giành giải thưởng cao nhất là 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, cuộc thi đã tạo được sự chú ý của giới văn chương về mảng văn học nông thôn, nông dân" - ông Nguyên khẳng định.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nên in thành cẩm nang tác phẩm đạt giải

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (đơn vị đồng tổ chức cuộc thi): Hy vọng có nhiều tác phẩm hay, cây bút vững chãi

Báo NTNN/Điện tử Dân Việt là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức đối với các cuộc thi có liên quan tới nông thôn, về đời sống của người nông dân. Thông qua cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập", cảnh sắc, tập quán, đời sống và những thông điệp của nhà nông được thể hiện thông qua những ngòi bút khéo léo, tâm huyết.

Rất nhiều các tác phẩm đặc sắc trong lịch sử văn chương được viết về nông dân, nông thôn. Các nhà văn khi được viết về nông thôn, chạm tới làng quê thì bỗng trở nên đặc biệt hơn, xuất thần hơn.

Chính vì thế tôi đánh giá rất cao khi Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi văn chương về làng quê và số phận của người nông dân trong cuộc cải cách, đổi mới toàn diện của đất nước. Tôi hy vọng từ đây sẽ có nhiều tác phẩm hay, xuất hiện nhiều cây bút vững chãi cả về nghề cũng như là nội dung phản ánh hiện thực. Hiện tại, tôi đang rất hồi hộp chờ đợi ở kết quả của cuộc thi lần này.