Dân Việt

"Sự cố" của Ninh Dương Lan Ngọc: Người vi phạm có thể bị xử lý thế nào?

An Khánh 04/03/2021 15:15 GMT+7
Theo ý kiến của luật sư, "sự cố" của Ninh Dương Lan Ngọc mới đây, người vi phạm sẽ bị xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và có thể xử lý thêm về tội làm nhục người khác.

Ngày 2/3, từ khóa tìm kiếm về Ninh Dương Lan Ngọc bất ngờ đạt top 1 trên công cụ Google Trend do liên quan tới vụ lộ clip trên web đen, mà nhân vật xuất hiện bên trong clip thực tế ra là một người có ngoại hình giống với nữ diễn viên này.

Ngay sau đó, đích thân Ninh Dương Lan Ngọc đã lên tiếng khẳng định người con gái trong đoạn clip đen không phải mình. Cô nhấn mạnh, bản thân là một nghệ sĩ hoạt động chân chính và đang là đại diện cho nhiều nhãn hàng uy tín, cô không bao giờ cho phép xảy ra những sự việc như trên.

Sự cố của Ninh Dương Lan Ngọc có thể được xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Cùng với đó, phía đại diện truyền thông của nữ diễn viên nhấn mạnh: "Chúng tôi cảm thấy rất tức giận và cảm thấy bị sốc khi nghệ sĩ của chúng tôi trở thành một nạn nhận của deepfake (tên ghép của "deep learning" và "fake" - với khả năng "bóp méo sự thật" được tăng cường - PV) và những vụ bôi nhọ qua mạng. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm thêm những đối tượng có liên quan và liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề này".

Đạo diễn "Gái già lắm chiêu" Trần Nguyễn Bảo Nhân còn kêu gọi mọi người cùng bảo vệ các nữ nghệ sĩ khỏi những tin đồn không kiếm chứng, gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và hình ảnh. Trên Facebook chính chủ của vị đạo diễn này để hashtag #BảoVệNữNghệSĩ #BảoVệLanNgọc.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Nếu hành vi đánh cắp thông tin, làm lộ lọt thông tin, mạo danh người khác để thực hiện các hành vi vi phạm mà đối tượng phạm tội là người ở trong nước, sử dụng các phương tiện công cụ trong nước thì việc phát hiện, xử lý là không có gì khó khăn. Tuy nhiên, nếu như các website giả mạo đặt máy chủ ở nước ngoài hoặc các đối tượng tin tặc ở nước ngoài, các đối tượng xấu sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra DeepFake thì việc xử lý bằng luật pháp quốc gia là không thể giải quyết được mà cần có sự can thiệp, liên minh, hợp tác với ở nhiều quốc gia, tầm quốc tế thì mới có thể xử lý được.

Sự cố của Ninh Dương Lan Ngọc có thể được xử lý thế nào? - Ảnh 3.

"Trong sự việc nêu trên nếu nữ diễn viên trên trở thành nạn nhân của DeepFake, bị các đối tượng xấu ghép hình vào clip để đăng bán hoặc có mục đích làm nhục, tống tiền... thì có thể trình báo sự việc cho cơ quan công an Việt Nam để vào cuộc xác minh xem xét xử lý. Với hành vi sản xuất, tàng trữ, phát tán, đăng tải clip sẽ có dung lượng từ 1GB trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo pháp luật Việt Nam", luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm.

Anh nhấn mạnh, hành vi sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra các DeepFake, giả mạo thông tin hình ảnh của người khác được coi là hành vi vi phạm quyền nhân thân, sử dụng thông tin trái phép và có dấu hiệu của tội làm nhục người khác. Tùy vào hành vi cụ thể, tính chất mức độ của hành vi, mục đích của đối tượng vi phạm mà hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sự cố của Ninh Dương Lan Ngọc có thể được xử lý thế nào? - Ảnh 4.

Không chỉ nghệ sĩ Việt, hồi 10/2020 người hâm mộ phẫn nộ khi nữ diễn viên nổi tiếng Song Hye Kyo cũng từng xuất hiện trong clip nóng chia sẻ tràn lan trên web 18+.

Và trong tình huống của nữ diễn viên mới đây, người vi phạm sẽ bị xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và có thể xử lý thêm về tội làm nhục người khác (nếu như hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người đã bị giả mạo thông tin hình ảnh), hoặc các tội danh liên quan đến tội phạm xâm phạm quyền sở hữu nếu như mục đích hướng đến quyền sở hữu của nạn nhân...

"Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 của Việt Nam, Điều 326 -Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy: Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ những vật phẩm có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Điều 155 - Tội làm nhục người khác: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm", theo luật sư Đặng Văn Cường.

Sự cố của Ninh Dương Lan Ngọc có thể được xử lý thế nào? - Ảnh 5.

"Wonder Woman" Gal Gadot hay Scarlett Johansson, Emma Watson hay bất kì một minh tinh màn bạc nào cũng không thể thoát khỏi "bóng ma Internet" khi từng nhiều lần bị ghép mặt vào các bộ phim khiêu dâm.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, trong thế giới công nghệ thông tin như hiện nay thì bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu. Không chỉ giới nghệ sĩ mà chính trị gia cũng có thể bị các đối tượng xấu sử dụng hình ảnh, thông tin để tạo ra các clip DeepFake (giả mạo). Để giải quyết vấn đề này thì cần có sự hợp tác của nhiều quốc gia, hoàn thiện hệ thống pháp luật đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến không gian mạng, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện.

Đồng thời mỗi cá nhân hạn nên có những kỹ năng để bảo vệ mình trong thế giới ảo, trên không gian mạng, hạn chế sử dụng, công khai những thông tin cá nhân lên mạng xã hội, hạn chế cung cấp các thông tin, dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân khi không cần thiết.