Mở rộng diện tích trồng nấm và số lượng nấm
Nghề trồng nấm ở xã Tân Thành (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đã có cách đây gần 20 năm trước. Nhưng chỉ vài hộ dân trồng với quy mô từ 3.000-5.000 bọc phôi, chủ yếu là nấm bào ngư xám.
Khoảng 8 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu thị trường về nấm tăng cao, người dân xã Tân Thành bắt đầu mở rộng diện tích, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn xã có 9 hộ trồng nấm, trong đó 5 hộ trồng nấm lâu năm, diện tích lên đến 10.000m2.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Lê Ngọc Sử cho hay: “Nghề trồng nấm ở đây đã có từ rất lâu. Như vậy, trồng nấm là nghề truyền thống với nhiều hộ dân nơi đây. Tuy nhiên trước đây, bà con trồng với quy mô nhỏ lẻ và làm thủ công. Vài năm trở lại đây, nghề trồng nấm phát triển mạnh cả về diện tích và số lượng. Người dân đã đầu tư nhà xưởng, lò hấp để tự sản xuất và còn cung cấp cho người có nhu cầu trồng nấm”.
Gia đình chị Bùi Thị Hạnh ở ấp 6, xã Tân Thành sản xuất nấm cách đây đã hơn 10 năm do ba mẹ truyền lại. Ban đầu gia đình chị trồng 4.000-5.000 bọc phôi với diện tích chỉ vài trăm mét vuông. Trong quá trình phát triển sản xuất, chị Hạnh mở rộng cơ sở hạ tầng nhà xưởng, trang thiết bị tự sản xuất bọc phôi giống. Đến nay, cơ sở sản xuất đã mở rộng lên đến 4.000m2 với quy mô 100 ngàn bọc nấm bào ngư xám và 400 ngàn bọc nấm mèo.
Mỗi năm trại nấm của gia đình chị Hạnh đạt năng suất 23-25 tấn nấm bào ngư tươi và 20 tấn nấm mèo khô. Nấm bào ngư tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và các tỉnh lân cận, giá trung bình 30 ngàn đồng/kg. Còn với nấm mèo khô xuất khẩu sang Campuchia giá từ 90.000-120.000 đồng/kg.
Mỗi năm, gia đình chị Hạnh thu lợi nhuận hàng tỷ đồng. Đồng thời, gia đình chị còn cung cấp cho nông dân trên địa bàn tỉnh từ 60-70 ngàn bọc phôi giống. Ngoài ra, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.
Chị Hạnh chia sẻ: “Mình làm nghề trồng nấm nối truyền từ ba mẹ. Ban đầu chỉ vài ngàn bọc phôi, khi có điều kiện mình mở rộng dần. Ở đây, một số trang trại trồng nấm lâu năm ban đầu cũng trồng từ vài ngàn bọc giờ mở rộng đã lên đến hàng trăm ngàn bọc. So với các loại cây trồng khác, mình thấy hiệu quả kinh tế tương đối cao. Đầu ra sản phẩm cũng luôn đảm bảo ổn định với giá hợp lý”.
Đa dạng hóa sản phẩm nấm
Không chỉ mở rộng diện tích mà người dân xã Tân Thành còn mở rộng trồng nấm mèo và nấm rơm. Điển hình như trại nấm của gia đình anh Đỗ Văn Thảo ở ấp 7, xã Tân Thành với diện tích hơn 1.200m2. Trước đây, anh Thảo chỉ trồng thuần nấm bào ngư nhưng quá trình phát triển anh đã mở rộng thêm nấm mèo và nấm rơm. Hiện anh đang trồng 200 ngàn bọc nấm mèo và 100 ngàn bọc nấm bào ngư.
Theo anh Thảo, nấm mèo 1 năm chỉ được 2 vụ, còn nấm bào ngư cho thu hoạch quanh năm. Với quy mô này, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 8 tấn nấm mèo và từ 16-18 tấn nấm bào ngư.
Khi sử dụng hết chất dinh dưỡng trong bọc phôi, anh lại tận dụng bã phôi để trồng nấm rơm. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lời hơn 350 triệu đồng/năm. Hơn 10 năm trồng nấm, gia đình anh chưa năm nào bị lỗ mà luôn cho thu nhập ổn định.
Anh Thảo chia sẻ: “Về cơ bản, nấm bào ngư và nấm mèo có cách trồng và chăm sóc gần giống nhau. Do đó, gia đình tôi cũng như một số hộ dân đều kết hợp trồng 2 loại nấm này. Nấm bào ngư cho thu hoạch quanh năm nên có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống hằng ngày. Còn nấm mèo 1 năm 2 vụ để có thêm nguồn vốn tích lũy cũng như tái đầu tư trở lại. Ngoài ra, tôi còn tận dụng bã phôi để trồng nấm rơm, tăng thêm thu nhập”.
Theo ông Lê Ngọc Sử, mỗi năm nông dân xã Tân Thành sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn nấm mèo phơi khô và gần 100 tấn nấm bào ngư tươi. Hiện nay, chính quyền xã cũng như Hội Nông dân Tân Thành (TP Đồng Xoài) đã và đang quan tâm, hỗ trợ người trồng nấm tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển trồng nấm vừa duy trì hiệu quả nghề truyền thống mà còn đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho người dân. Đồng thời, giúp xã Tân Thành giữ vững, củng cố nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.