Khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cộng với cần cù, dám nghĩ, dám làm, ông Phạm Văn Lai (SN 1964), ngụ ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đã xây dựng thành công mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) đạt hiệu quả cao. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.
Sinh ra tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, năm 1977, ông Lai theo cha mẹ vào tỉnh Bình Phước xây dựng kinh tế mới. Lập gia đình, năm 2000, vợ chồng ông dồn vốn mua được 5 ha đất tại ấp 5, xã Tân Hưng. Đây là vùng đất thấp, mùa mưa thường xuyên bị ngập. Chọn khu đất cao ráo, ông đắp nền xây dựng căn nhà tạm để ở. 2 vợ chồng vừa làm thuê “lấy ngắn nuôi dài” vừa cải tạo đất. Vùng đất trũng nhất, ông đào ao thả cá, nơi đất cao ông trồng cao su, xây dựng chuồng trại chăn nuôi…
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình VAC rộng 5 ha, trong đó có gần 1 ha trồng cao su, 1 ha trồng điều, 2,5 ha ao cá, số còn lại là đất ở và xây dựng chuồng trại nuôi heo, ông Lai cho biết vừa đầu tư 500 triệu đồng thuê máy múc cải tạo hệ thống ao, hồ. Trước đây, ông thường nuôi cá trắm, chép… nên thu nhập không cao. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cá lăng nha thương phẩm trên thị trường khá cao, năm 2019, ông nuôi thử nghiệm 200 con cá lăng nha. Cá phát triển tốt và năng suất cao, thịt trắng, dai và thơm ngon.
Năm 2020, ông đầu tư 20 triệu đồng mua 4.000 con cá lăng nha giống. Ông quây lưới để cá giống nuôi trong một góc ao. Thức ăn cho cá chủ yếu là cám và những thực phẩm nấu chín, băm nát. Khi cá nặng khoảng 300g, ông mới thả ra ao lớn.
Cá lăng nha nuôi 1 năm cho trọng lượng trung bình 2kg mỗi con, giá cá thương phẩm khoảng 150-180 ngàn đồng/kg. Với 4.000 con cá lăng nha giống, gia đình ông thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng chuồng trại nuôi heo. Hiện gia đình ông duy trì 5 con heo nái và khoảng 100 con heo thịt, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa heo thịt… thu lãi khoảng 600 triệu đồng.
Đối với cây điều và cao su, theo ông Lai, để cây cho năng suất cao thì người nông dân thường xuyên theo dõi vườn để phát hiện, nhận biết bệnh sớm, chữa trị kịp thời. Ông phải thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm bệnh để xịt thuốc kịp thời…; kết hợp các biện pháp canh tác khác như tỉa cành tạo tán, xông khói, dọn cỏ, chăm bón hợp lý.
Nhờ kiên trì, chịu khó và áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Lai đã thành công với mô hình kinh tế VAC. Nguồn thu từ mô hình này đã giúp gia đình ông trở thành hộ khá, giàu trong xã.