Trong Hội thảo "Làm tổ cho đại bàng nội", diễn ra vào chiều 5/3 tại Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, chương trình mở cửa với thị trường du lịch quốc tế sẽ được xem xét nghiên cứu cụ thể.
Việt Nam sẽ mở cửa từng bước chứ không ồ ạt. Thị trường được chọn sẽ phải đảm bảo có lượng khách đông, khách phải đi tour trọn gói, có cam kết tiêm vaccine hoặc cách ly y tế...
Các điểm đến phải thuận tiện với hàng không, khu du lịch nghỉ dưỡng đón khách phải có phạm vi độc lập, cung cấp nhiều dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo an toàn.
"Mong rằng các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn trước Covid-19", bà Hương bày tỏ.
Trước đó, tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai kế hoạch công tác năm 2021 của HHDL Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch HHDL Việt Nam cho rằng, thời gian tới, để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế, ngành Du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh thị trường nội địa với những sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới, đồng thời, nghiên cứu thị trường, chuẩn bị mở lại du lịch quốc tế.
Năm qua, dù dịch bệnh hoành hành khắp thế giới nhưng một số nơi, một số quốc gia du lịch vẫn duy trì hoạt động qua việc tổ chức các sự kiện trực tuyến, du lịch ảo, hội thảo, hội nghị trực tuyến…
Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch cung cấp "hộ chiếu vắcxin", "giấy thông hành xanh" giúp người dân tự do đi lại, tìm lối thoát cho ngành Du lịch và Hàng không đang gặp khó khăn, dù ý tưởng này đang còn nhiều tranh cãi.
Trong khu vực ASEAN, Thái Lan cũng đã thông báo mở lại thị trường du lịch quốc tế từ tháng 7.2021.
Singapore đón khách quốc tế có chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS- CoV- 2 và Indonesia cũng đã công bố sẽ mở cửa Bali với "Hành lang không Covid", Chính phủ Indonesia đồng thời sẽ triển khai gói vay ưu đãi với tổng trị giá 670 triệu USD nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch Bali…
"Nếu không làm tốt, làm ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ bị động và mất thị trường. Các doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội thành viên cần phải chủ động hơn, làm hết sức mình, khắc phục khó khăn để HHDL Việt Nam báo cáo, đề xuất Chính phủ cho thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ quý 3 hoặc quý 4 năm 2021", ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam nêu ý kiến.
Hiện nay mảng lữ hành quốc tế vẫn đóng băng, các doanh nghiệp chuyên về tour inbound (đón khách quốc tế du lịch Việt Nam) đều tìm cách chuyển hướng dịch vụ sang khai thác thị trường nội địa, hoặc các dịch vụ tư vấn du học, dịch vụ làm visa...
Trong 2 tháng đầu năm 2021, chỉ có 28.700 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án, và người nhập cảnh vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.