bộ lạc Guna: Chồng theo vợ và con gái được thừa kế tài sản từ mẹ
Tục lệ của bộ lạc Guna: Chồng theo vợ và con gái được thừa kế tài sản từ mẹ
Thứ bảy, ngày 06/03/2021 07:24 AM (GMT+7)
Bất chấp những thách thức luôn phải đối mặt, phụ nữ bộ lạc Guna đại diện cho một nền văn hóa đa sắc màu phong phú, làm tăng thêm sự huyền bí, kỳ thú và sức cuốn hút cho “thiên đường vùng Caribbea”.
Tục lệ của bộ lạc Guna: Chồng theo vợ và con gái được thừa kế tài sản từ mẹ
Từ khoảng thế kỷ 15, bộ lạc Guna (hay còn gọi là Kuna hoặc Cuna), đã di cư gần 80.000 người từ Nam Mỹ đến quần đảo San Blas (còn được gọi là Guna Yala Comarca) tuyệt đẹp ở ngoài khơi bờ biển Panama. Họ dần trở thành cư dân bản địa, sinh sống chủ yếu tại quần đảo này.
Ngày nay phần lớn bộ lạc Guna tận hưởng cuộc sống trên quần đảo San Blas được các du khách ca ngợi là "thiên đường vùng Caribbea" với làn nước biển trong xanh như ngọc, bao quanh hàng trăm hòn đảo rợp bóng cọ hoặc dừa xanh nổi bật trên bờ cát trắng mịn.
Những người phụ nữ bộ lạc Guna thường đi bộ trên những đường phố Panama để bán áo khoác và các loại trang phục bản địa.
Trông họ thật cuốn hút trong những bộ trang phục sặc sỡ kiểu thổ cẩm với thiết kế Mola (cá mặt trời hay còn gọi là cá mặt trăng) truyền thống. Bộ trang phục Mola gồm: Saburet (loại váy quấn, có hoa văn sặc sỡ), áo cánh mola hoặc dulemor, đầu trùm khăn Musue màu vàng rực hoặc đỏ tươi.
Tay chân ai cũng đeo các chuỗi hạt Uini hoặc Chakira đủ màu, tai đeo khuyên và mũi cũng xỏ lỗ đeo khuyên vàng gọi là Olasu.
Mặc dù mỗi cộng đồng bộ lạc Guna đều do một Saila nam giới lãnh đạo, nhưng phụ nữ mới là người nắm giữ quyền lực với cộng đồng bởi trong gia đình họ là người phân phối thực phẩm chính, là chủ sở hữu tài sản và là người ra quyết định.
Cấu trúc mẫu hệ của xã hội bộ lạc Guna quy định tục lệ chồng theo vợ và con gái được thừa kế gia sản từ mẹ. Nghĩa là các cặp vợ chồng sau khi kết hôn sẽ chuyển đến sống tại nhà gái.
Tài sản trong nhà bao gồm cả đất đai, gia súc và các vật dụng giá trị khác đều thuộc quyền của người mẹ, sau này sẽ truyền cho con gái.
Xã hội bộ lạc Guna rất cởi mở, cho phép những người có nhu cầu được chuyển giới dễ dàng
Phụ nữ bộ lạc Guna là trụ cột gia đình, họ lo việc nấu ăn, chăm sóc con cái và chế biến cá Mola. Đồng thời thực tế đời sống trong những năm gần đây với sự gia tăng phát triển du lịch và giá cá Mola tăng (có thể tới 50 USD/con) cũng cho thấy phụ nữ Guna thường kiếm tiền nhiều hơn hẳn đàn ông (vốn chỉ kiếm được khoảng 20 USD/ngày từ đánh bắt tôm hùm hoặc bảo quản thuyền chở khách du lịch).
Xã hội bộ lạc Guna rất cởi mở, cho phép những người có nhu cầu được chuyển giới dễ dàng. Con trai có thể chọn trở thành Omeggid (nghĩa là giống phụ nữ) để có thể đóng vai trò và hành động giống như những phụ nữ khác trong cộng đồng. Omeggid được gọi là giới tính thứ ba, được đối xử bình đẳng cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Thêm một đặc tính đáng chú ý nữa là tỉ lệ bị bạch tạng trong các cộng đồng bộ lạc Guna khá cao, dẫn tới niềm say mê của họ với "White Indians" (Thổ dân da trắng). Vì theo thần thoại bộ lạc Guna thì Sipu (bạch tạng) được coi là một chủng tộc đặc biệt, giữ vị trí độc đáo trong xã hội với nhiệm vụ dùng cung tên bắn con rồng luôn tìm cách nuốt Mặt Trăng vào mỗi kỳ Nguyệt thực.
Nền kinh tế bộ lạc Guna chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đánh bắt cá, may mặc. Nhưng từ lâu họ đã có truyền thống thương mại quốc tế qua việc bán các sản phẩm của mình cho cả người dân địa phương, du khách và thương gia từ khắp nơi trên thế giới đến. Đem lại giá trị kinh tế lớn nhất là việc bán ngựa, các tác phẩm nghệ thuật Guna và cá Mola.
Nhưng tình trạng mực nước biển dâng cao đang dần xói mòn diện tích nơi bộ lạc Guna sinh sống, trở thành mối đe dọa lâu dài và nghiêm trọng nhất có thể khiến bản sắc văn hóa Guna - bộ lạc được coi là cuối cùng của vùng Caribbea - biến mất nếu họ phải chuyển về sống trên đất liền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.