Còn rào cản trong đánh giá, xếp loại
Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có 2.689 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản (1.783 cơ sở do địa phương quản lý). Ngành nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương đánh giá, thẩm định, xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản (trung bình mỗi năm 400-500 cơ sở). Kết quả cho thấy, số lượng cơ sở xếp loại C (không đủ điều kiện an toàn thực phẩm) tương đối lớn. Ví dụ, năm 2020, toàn thành phố thẩm định, xếp loại 416 cơ sở thì có tới 289 cơ sở xếp loại B và 134 cơ sở xếp loại C.
Ông Đỗ Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, trên địa bàn huyện có 916 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Việc xếp loại các cơ sở này gặp nhiều khó khăn do số lượng lớn, nhưng sản xuất manh mún, thậm chí hoạt động theo thời vụ nên thường xuyên biến động. Nhiều cơ sở chưa đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm như: Công nhân sản xuất chưa đeo bao tay, thực phẩm chế biến sẵn còn để lẫn với thực phẩm tươi sống…
"Sở sẽ đề nghị Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP... để các tổ chức, cá nhân có căn cứ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật..."- ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội thông tin.
Cũng về vấn đề này, theo bà Đặng Thị Tươi - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, huyện có 60 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đều đã được đánh giá xếp loại. Tuy nhiên, các cơ sở này nằm rải rác ở xã nên việc kiểm tra định kỳ điều kiện bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế…
Về những khó khăn trong việc quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội - Ngô Đình Loát cho biết, một trong những rào cản là việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến, hỗn hợp (ví dụ giới hạn của chì và cadimi tại QCVN 8-2:201/BYT của Bộ Y tế chỉ có trên sản phẩm thịt tươi, không quy định giới hạn trên các sản phẩm chế biến từ thịt). Điều này gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng khi kiểm tra, giám sát để đánh giá chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Việc xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản là giải pháp quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu vừa bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng vừa từng bước nâng cao chất lượng các cơ sở sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn (huyện Thanh Trì) thông tin, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho mặt hàng giò chả, bánh chưng..., công ty đã nhập thịt lợn, gà có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; trong khâu sản xuất, các sản phẩm đều được xử lý bằng công nghệ ozone, đóng gói hút chân không.
Để việc xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả thực tế, ông Đỗ Quang Trung cho biết, thời gian tới huyện Ba Vì sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ từ gốc - từ các sản phẩm sản xuất trên đồng ruộng và trang trại trước khi đưa vào hệ thống phân phối, bán ra thị trường. Trong đó, huyện chú trọng giám sát vật tư nông nghiệp đầu vào; tăng cường việc lấy mẫu để phát hiện vi phạm.
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, quan điểm của ngành Nông nghiệp Thủ đô là đối với các cơ sở nhiều lần xếp loại C sẽ kiên quyết xử lý theo quy định, nếu 3 lần kiểm tra đều bị xếp loại C sẽ kiến nghị rút giấy phép kinh doanh và không xếp loại lại... Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất ở những cơ sở đã xếp loại để loại trừ những sự cố mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, triển khai xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, quản lý chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm từ các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường.