Tỉnh Hải Dương vừa trải qua đợt dịch Covid-19 có thể coi là lớn nhất cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã kiểm soát tốt được dịch bệnh và được ưu tiên là 1 trong 13 tỉnh/thành phố được lựa chọn triển khai tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 đợt đầu.
Trong ngày 8/3, Hải Dương là một trong 3 điểm triển khai tiêm phòng Covid-19 đầu tiên trên toàn quốc.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, ngay sau lễ khai mạc, 50 cán bộ Y bác sỹ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, Bệnh viện Trường Đại học Y tế kỹ thuật Hải Dương, các em sinh viên tình nguyện đại diện cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 là những người đầu tiên được tiêm vaccine.
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, cán bộ Trung tâm Y tế TP.Hải Dương phấn khởi cho biết, những ngày vừa qua là quãng thời gian đầy vất vả, khó khăn, nhưng cũng là những giây phút không thể nào quên trong cuộc đời chị. Việc chị và các đồng nghiệp và lực lượng tuyến đầu ngày đêm dốc sức chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 đã góp phần kiểm soát và khống chế lây lan trên diện rộng.
Khi được lựa chọn là người đầu tiên được tiêm vaccine, chị cảm thấy rất tự hào và xúc động. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có thể xảy ra trường hợp phản ứng nhưng chị Nhung tin tưởng việc triển khai tiêm sẽ thuận lợi và an toàn như kế hoạch đề ra.
Một số hình ảnh của ngày tiêm chủng vaccine Covid-19 đầu tiên ở Hải Dương
Giống như chị Nhung, hôm nay anh Lê Thành Nam, là công nhân Công ty May Tinh Lợi, đồng thời cùng là tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 cảm giác rất vui mừng xen lẫn một chút lo lắng khi là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine. Anh Nam mong muốn, người dân trong tỉnh Hải Dương nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung sẽ sớm được tiêm phòng chống bệnh Covid-19 trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế, phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, công tác phòng chống dịch trong thời gian qua được tỉnh Hải Dương triển khai rất tốt. Bộ Y tế cũng đã tạo mọi điều kiện về nhân lực, chuyên gia đầu ngành, trang thiết bị y tế để Hải Dương phòng chống dịch hiệu quả. Trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương cần tiếp tục tiếp cận với các nguồn cung ứng vaccine để triển khai tiêm phòng cho người dân. Ngoài ra, việc triển khai tiêm phòng cần đảm bảo theo đúng quy trình bảo quản, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19…
Ngày 10/12/2020, GAVI đã chính thức xác nhận Việt Nam là một trong số các quốc gia thành viên của Chương trình và được hỗ trợ vaccine. Ước tính hiện tại Chương trình sẽ cung cấp vaccine và vật tư tiêm chủng miễn phí để tiêm cho khoảng 15-16% dân số của 92 quốc gia trong đó có Việt Nam. Ngày 26/02/2021, COVAX Facility có thư về việc phân bổ khoảng 4,1 triệu liều vaccine của AstraZenecca sản xuất cho Việt Nam từ tháng 2-5/2021, số lượng phân bổ tiếp theo sẽ được COVAX thông báo sau.
Trước đó, ngày 6/3, Bộ Y tế có quyết định phân bổ cho Hải Dương 33 nghìn liều vaccine tiêm phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca. Theo đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) sẽ nhận 32 nghìn liều, Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương 300 liều, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ sở 2 là 500 liều, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Trung tâm y tế thành phố Chí Linh mỗi đơn vị nhận 100 liều.
Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) tiếp nhận vận chuyển vaccine tới các cơ sở tiêm chủng, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện bảo quản, phân phối và phối hợp với các cơ sở tiêm chủng khác để sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Ở cấp địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các cấp phải xác định công tác tổ chức tiêm vaccine Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài. Trong đó, ông Thăng đặc biệt lưu ý lãnh đạo các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vaccine tại địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, hiệu quả và cả những tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm vaccine, chống tư tưởng chủ quan sau khi tiêm vaccine, cùng với tiêm vaccine phải thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là các biện pháp "5K".
Ông Thăng cũng lưu ý việc rà soát kỹ lưỡng, nhất quán, xác định các trường hợp ưu tiên tiêm vaccine chính xác, dân chủ, công khai, không để xảy ra tiêu cực, dư luận không tốt trong quá trình thực hiện. Việc tổ chức tiêm chủng phải bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.