Liên quan đến những vướng mắc pháp lý của condotel, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có đề xuất giải pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho loại hình bất động sản này.
Theo đó, ông Châu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản trong năm 2021. Trong đó, đề nghị bổ sung quy định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong tòa nhà condotel, tương tự như Luật Nhà ở quy định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong tòa nhà chung cư và đề nghị Bộ Xây dựng quy định hợp đồng mẫu mua bán, chuyển nhượng cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có condotel.
Về trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chủ sở condotel, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu condotel, áp dụng tương tự như Luật Nhà ở quy định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung căn hộ nhà chung cư.
Đáng chú ý, về cơ chế quản lý vận hành đối với condotel, HoREA đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch sửa đổi, bổ sung Điều 4 "Quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch", ban hành kèm theo Quyết định số 3720/QĐ-BVHTT&DL ngày 28/10/2019, theo hướng không cho phép từng chủ sở hữu là tổ chức hoặc cá nhân được tự kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch do mình sở hữu thuộc cùng một dự án.
Theo lập luận của HoREA, quy định cho phép từng chủ sở hữu được tự kinh doanh dịch vụ lưu trú là không phù hợp với Luật Du lịch. Điều kiện công nhận điểm lưu trú du lịch phải có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Do đó, quy định cho phép từng chủ sở hữu là tổ chức hoặc cá nhân được tự kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch do mình sở hữu chỉ phù hợp trong trường hợp căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch không thuộc cùng dự án, hoặc nằm ngoài dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, nhưng không phù hợp đối với trường hợp căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch thuộc cùng một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Châu đề nghị các tổ chức, cá nhân sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc cùng một dự án phải thống nhất, lựa chọn một tổ chức để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, đáp ứng các điều kiện quy định của Luật Du lịch.
Trước đó, Dân Việt đã từng thông tin, những năm qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng buôn bán, sản xuất ma túy, kế đến là tệ nạn cờ bạc, cho vay nặng lãi và bay lắc… tại những căn hộ cao cấp, condotel được chủ sở hữu tận dụng cho thuê ngắn hạn. Tình trạng này càng phổ biến và phức tạp ở những địa phương đang phát triển du lịch như: Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP.HCM…
Theo nhận định của chuyên gia, căn hộ nói chung, đặt biệt là căn hộ du lịch hấp dẫn giới đầu tư nhiều năm qua là do 3 mục đích: Sở hữu ngôi nhà thứ hai ở biển đẹp để gia đình thường xuyên vào ở; Kiếm tiền cho thuê và là bất động sản giữ tiền ổn định hơn gửi ngân hàng, có thể gia tăng giá trị.
Tuy nhiên, với cách làm "bát nháo" ở một số nơi như hiện nay, chủ sở hữu căn hộ có thể kiếm được tiền trong ngắn hạn nhưng sẽ giá trị căn hộ sẽ mất đi, và nguy cơ vi phạm pháp luật. Đặc biệt, khi tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhiều tiềm ẩn nguy hiểm.