Dân Việt

Giá tiêu hôm nay 9/3 biến động mạnh, chuyên gia cảnh báo gì về chuyện thương lái thu gom, tích trữ?

Minh Huệ 09/03/2021 11:11 GMT+7
Giá tiêu hôm nay 9/3 tiếp tục xu hướng tăng từ tuần trước, tăng thêm 1.000 - 1.500 đồng/kg so với hôm qua. Giá tiêu tăng ngay giữa mùa thu hoạch đi kèm với dự báo nguồn cung hồ tiêu tại Việt Nam sụt giảm đã dẫn đến tình trạng tích trữ, găm hàng từ nông dân cho tới đại lý thu mua.

Giá tiêu hôm nay 9/3 tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng khoảng 1.500 đồng/kg so với hôm qua. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk, Đắk Nông đạt 61.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai tăng thêm 1.000 đồng/kg, đạt 60.000 đồng/kg. 

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai tăng từ 59.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg; tại Bình Phước tăng từ 60.500 đồng/kg lên 62.000 đồng/kg.

Đặc biệt là tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay đã tăng lên 62.500 đồng/kg. 

Giá tiêu hôm nay 9/3 biến động mạnh, tăng cao nhất 62.500 đồng/kg, chuyên gia cảnh báo điều gì? - Ảnh 1.

Bảng giá tiêu hôm nay 9/3 tại một số vùng nguyên liệu chính. Nguồn: tintaynguyen

Hồi đầu tháng 3/2021, giá tiêu cao nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu mới đạt 55.500 đồng/kg, trong khi tại Gia Lai khoảng 53.500 đồng/kg. Như vậy chỉ sau hơn 1 tuần, giá tiêu hôm nay đã tăng khoảng 6.500 - 7.000 đồng/kg, tuỳ địa phương. 

Sáng nay, trao đổi với PV báo điện tử DANVIET.VN, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, giá tiêu tăng cao ngay giữa mùa thu hoạch niên vụ mới khiến bà con rất phấn khởi vì có lãi. 

Đáng nói nhiều vùng trồng tiêu năm nay bị mất mùa nghiêm trọng, ước tính sản lượng sẽ giảm khoảng 1/3 so với năm ngoái nên dự báo giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Giá tiêu hôm nay 9/3 biến động mạnh, tăng cao nhất 62.500 đồng/kg, chuyên gia cảnh báo điều gì? - Ảnh 2.

Giá tiêu hôm nay đang tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với hôm qua. Ảnh tư liệu

Trước tình hình giá tiêu tăng từng ngày, nông dân có xu hướng tích trữ, những ngày qua các đại lý, thương nhân bắt đầu gom mua tiêu và trả giá cao hơn so với giá tham khảo. Một số bà con nông dân cho biết, tại Đắk Nông - nơi chiếm sản lượng tiêu lớn nhất Việt Nam, đã xuất hiện một số thương nhân Trung Quốc thu mua tiêu. 

Tại một số điểm thu mua, đại lý đã trả 63.000 đồng/kg tiêu đầu giá. Nếu cộng thêm các chỉ số về chất lượng hạt tiêu (gồm độ ẩm, tạp chất, dung trọng), giá tiêu đã lên xấp xỉ 70.000 đồng/kg. 

Về điều này, ông Hoàng Phước Bính cho biết, thực tế nhiều vườn tiêu chưa hái song chủ vườn đã phải bán trước rồi để lấy tiền trả nợ. 

"Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh, nông dân nếu trữ được tiêu thì tốt bởi vì xu hướng thời gian tới dự báo giá tiêu sẽ còn tăng. Nhưng nếu không có điều kiện tích trữ, nhất là những hộ đang vay nợ thì họ vẫn buộc phải bán để lấy tiền trả công nợ, trả lãi vay ngân hàng, trang trải sinh hoạt, cho con cái đi học và đầu tư chăm sóc tiêu vụ mới" - ông Bính nói.

Ông Bính cũng khuyên, thời điểm này bà con không nên vay nợ mua tích trữ tiêu để tránh rủi ro. 

Điều đáng mừng là sau thời gian dài lao dốc, giá tiêu nhích dần lên đã tạo động lực cho nông dân quay lại chăm sóc, đầu tư cho vườn tiêu của mình. Ai đã có tiêu thì tiếp tục chăm sóc, ai có vườn tiêu bị chết mà vẫn muốn gắn bó với cây tiêu thì sẽ có động lực để trồng lại. 

Trước việc một số thương lái Trung Quốc đang mạnh tay thu mua tiêu, thậm chí trả giá cao hơn giá tham khảo, ông Bính khẳng định thương lái Trung Quốc thu mua hàng là điều tốt. 

"Họ đầu cơ tích trữ theo tôi là tín hiệu tốt, không có gì phải lo ngại. Hiện nay Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản quan trọng của Việt Nam. Với mặt hàng hồ tiêu, sản lượng thu mua của Trung Quốc ngày càng tăng, hiện chỉ đứng sau Hoa Kỳ, trung bình khoảng 40.000 - 50.000 tấn/năm" - ông Bính nói. 

Cũng theo ông Bính, năm ngoái, tại hội nghị quốc tế về hồ tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một chuyên gia ngành hồ tiêu của Trung Quốc cho biết, mỗi năm Trung Quốc cần tới 95.000 tấn tiêu để phục vụ tiêu dùng, chế biến, đồng thời xuất khẩu một phần đi các nước khác. 

"Do đó việc thương lái Trung Quốc thu mua hồ tiêu của Việt Nam - nơi sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới là chuyện bình thường, miễn sao họ thanh toán sòng phẳng" - ông Bính khẳng định.