Tôi gặp chị Vi Thuỳ Dương tại Lễ tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức khi chị là 1 trong số những nhà khoa học không chuyên - những nông dân có sáng chế, sáng kiến được ghi nhận và được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Chia sẻ về ý tưởng làm tinh dầu quýt, chị Dương bộc bạch: Do diện tích ngày càng tăng nên người trồng quýt ở địa phương thường hay rơi vào cảnh được mùa mất giá. Đầu ra khó khăn lại có ít cơ sở chế biến quýt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân có sản phẩm nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Hơn nữa, tư thương cũng chỉ mua quả quýt đẹp, to. Còn loại quả quýt bi, quýt bé nông dân vứt vạ vứt vật vì không bán được hoặc bán được thì cũng rất rẻ.
Từ những thực tế trên, HTX nghiên cứu thị trường, vùng nguyên liệu trước khi thành lập cơ sở chế biến. Với công nghệ chiết xuất hiện đại, HTX đang tập trung thu mua quả quýt bi, quýt bé và chế biến tinh dầu quýt giúp cho người trồng quýt có thêm thu nhập.
Giám đốc HTX Hương Ngàn Vi Thùy Dương cho biết: "Hiện nay, bình quân mỗi ngày HTX thu mua gần 3 tấn quả quýt. Chúng tôi không quá khắt khe về tiêu chuẩn quả, chỉ cần quả quýt không bị thối, hỏng là được thu mua theo giá thị trường, từ 3.000 - 5.000 đồng/kg".
Chị Dương đã tìm hiểu, học hỏi cách để quả quýt không phải bỏ đi bất cứ thứ gì. Vỏ quýt chiết xuất thành tinh dầu, ruột quýt thì để làm rượu quýt sau khi áp dụng quá trình cho lên men... như vậy lợi nhuận từ quýt sẽ cao hơn.
Theo tính toán của chị Dương, 1 tấn quả quýt chiết được khoảng 5kg tinh dầu, thu về 10 triệu đồng, chưa kể các sản phẩm đi kèm như rượu quýt, quýt sấy. Trong khi đó, nếu bán quả quýt loại nhỏ này chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/tấn. Còn nếu trong tình trạng qủa quýt nhiều, người mua ít, hoặc thậm chí không có người mua thì việc để hư hỏng, thối… rất nhiều.
Nhằm mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, HTX Hương Ngàn thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp trên toàn quốc.
Để thuận tiện cho người sử dụng, HTX đóng sản phẩm tinh dầu quýt thành dạng lọ 10ml, 15ml, 50ml… và dạng treo xe ô tô. Sản phẩm tinh dầu quýt có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, mã vạch công bố tiêu chuẩn và đã được Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Kạn đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Chị Dương phấn khởi cho biết: Để mở rộng sản xuất, mới đây HTX Hương Ngàn đã đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu quýt với công suất 2 tấn/ngày, đồng thời mở rộng thêm nhà xưởng để đảm bảo cho việc vận hành đạt hiệu quả. Với công suất như vậy, hiện tại HTX đã có đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu là Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Công ty TNHH Hữu Nghị Lạng Sơn, Công ty TNHH Thịnh Phát-Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Hiện nay, HTX Hương Ngàn có 10 thành viên. Cùng với chế biết tinh dầu quýt, HTX Hương Ngàn liên kết với bà con trồng 10ha sả, 2ha gừng, nghệ, 3ha quýt. Bình quân thu nhập mỗi thành viên HTX đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Với đề tài chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa với tinh dầu quýt là sản phẩm OCOP 3 sao, Giám đốc HTX Hương Ngàn Vi Thuỳ Dương đã được nhận giải thưởng "Nhà Khoa học của nhà nông" lần thứ 3 năm 2020.
Theo tính toán của chị Dương, 1 tấn quả quýt chiết được khoảng 5kg tinh dầu, thu về 10 triệu đồng, chưa kể các sản phẩm đi kèm như rượu quýt, quýt sấy. Trong khi đó, nếu bán quả quýt loại nhỏ này chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/tấn. Còn nếu trong tình trạng qủa quýt nhiều, người mua ít, hoặc thậm chí không có người mua thì việc để hư hỏng, thối… rất nhiều.