Ngày 10/03, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã trao quyết định niêm yết và đưa gần 15,2 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thép Vicasa -VNSTEEL (Mã chứng khoán: VCA) vào giao dịch. Tổng giá trị niêm yết của cổ phiếu VCA gần 152 tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.100 đồng/cp, biên độ giao động giá +/-20%.
Cổ phiếu VCA hủy đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 23/2, ngày giao dịch cuối cùng 22/2 và giá dừng giao dịch là 13.500 đồng/cp.
Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL (Vicasa) tiền thân là Xí nghiệp - Việt Nam Cán sắt, là công ty con của Tổng Công ty Thép Việt Nam, được thành lập từ tháng 5/1967 với số vốn đầu tư là 600 triệu đồng.
Đến năm 2008, Vicasa chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần với tổng vốn ban đầu sau khi cổ phần hóa là 135 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn vào năm 2010, hiện nay vốn điều lệ của công ty đã đạt hơn 151 tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh chính là sản xuất sản phẩm thép, nguyên vật liệu sản xuất thép, sắt thép các loại, sản xuất phôi thép và sản xuất thép cán.
Tính tới cuối năm 2020, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL, UPCoM: TVN) đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 65%, tương đương nắm giữ hơn 9.87 triệu cp VCA.
Theo Báo cáo tài chính kiểm toán trong bản cáo bạch, doanh thu thuần của công ty năm 2018, 2019 lần lượt đạt hơn 2.512 tỷ và 2.214 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt hơn 32 tỷ và 25 tỷ đồng.
Bước sang năm 2020, Trong khi hầu hết các doanh nghiệp thép đều có kết quả kinh doanh vượt trội năm 2020, riêng VCA tiếp tục suy giảm. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm 5% xuống 2.159 tỷ đồng; lãi sau thuế giảm 17% xuống 21 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của VCA ghi nhận gần 313 tỷ đồng, giảm 38% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho cũng giảm một nửa, xuống còn 115 tỷ đồng chủ yếu do thành phẩm giảm mạnh 84%, chỉ ghi nhận hơn 22 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm này giảm 68%, ghi nhận 91 tỷ đồng với toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong đó, phải trả người bán hơn 53 tỷ đồng, gấp 2.7 lần đầu năm. Đáng chú ý, doanh nghiệp đã giảm được nợ vay xuống còn 50 triệu đồng (đầu năm ghi nhận gần 238 tỷ đồng).
Xu hướng giảm lợi nhuận của Vicasa bắt đầu từ năm 2019. Ðó chính là nguyên nhân khiến mức trả cổ tức của Công ty đi xuống. Nếu như năm 2017 - 2018, Vicasa chi trả cổ tức tiền mặt đến 30% mệnh giá (3.000 đồng/cổ phiếu) thì đến năm 2019, tỷ lệ chi trả giảm xuống chỉ còn 15% mệnh giá (1.500 đồng/cổ phiếu).
Chỉ tiêu cổ tức năm nay được Ðại hội đồng cổ đông thường niên thông qua chỉ còn một nửa của năm 2019, với mức 7% mệnh giá (700 đồng/cổ phiếu). Kế hoạch này được đặt ra trên cơ sở lợi nhuận kế hoạch 16 tỷ đồng, giảm 37% so với thực hiện năm ngoái.
Phía VCA cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây chủ yếu là do thị trường bất động sản trong nước khá ảm đạm do các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia ngừng trệ, các dự án mới không triển khai.
Ngoài ra, sự tham gia của 4 nhà máy mới: Hòa Phát - Dung Quốc, An Hưng Tường - Nghi Sơn, TungHo, Đông Nam Á khiến cho cuộc cạnh tranh về giá để giành thị phần diễn ra ngày càng gay gắt và khốc liệt.
Thép Hòa Phát với quy mô sản lượng lớn và đã áp dụng chính sách giá bán thấp với mục đích thâm nhập lấn chiếm dần vào thị trường phía Nam, đặc biệt là thị trường Miền Tây, gây áp lực lớn đến thị trường tiêu thụ chính của thép /V/.
Bên cạnh đó, trong năm 2019 Công ty An Hưng Tường đã đưa vào vận hành nhà máy 500.000 tấn/năm ở Bình Dương, Thép Đông Nam Á đầu tư thêm dây chuyền cán và lò trung tần nâng công suất thêm 500.000 tấn/năm.
Sản phẩm chủ lực của 2 Công ty này là thép dân dụng CB300 và thép cuộn là các sản phẩm truyền thống và thế mạnh của Công ty. Ở các thị trường miền Tây và khu vực TP. HCM, An Hưng Tường tiêu thụ trên 13.000 tấn/tháng, Thép Đông Nam Á tiêu thụ trên 7.000 tấn/tháng.
Trong khi đó, với công suất xưởng luyện và dây chuyền cán trên dưới 200.000 tấn/năm, năng lực sản xuất của Vicasa hiện nhỏ hơn nhiều doanh nghiệp mới được đầu tư xây dựng sau này, chính vì vậy áp lực cạnh tranh để tiêu thụ sản phẩm của Công ty là rất lớn.
Một điểm khó khăn đang phải đối diện của VCA trong thời gian tới nữa là việc nhà máy hiện đặt tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Ðồng Nai. Khu công nghiệp này đã được Chính phủ đồng ý chủ trương di dời và chuyển đổi thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về địa điểm di dời mới. Việc di dời nhà máy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động sản xuất của Công ty như trong ngắn hạn không đầu tư quá lớn và đồng bộ được.
Về dài hạn, khi thực hiện di dời, chắc chắn hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cũng bị ảnh hưởng đáng kể và cần nhu cầu vốn đầu tư lớn.