Theo quyết định của Thủ tương Chính phủ, việc triển khai thí điểm Mobile Money nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Việc giao cho các doanh nghiệp viễn thông (nhà mạng) triển khai thí điểm là để tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người dân.
Điểm khác biệt lớn nhất của dịch vụ Mobile Money so với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, ví điện tử là chủ tài khoản có thể nạp tiền trực tiếp vào tài khoản mà không cần liên kết với ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, chủ tài khoản Mobile Money không được giao dịch quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Dịch vụ Mobile Money sẽ được thí điểm trong 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận triển khai. Kết quả sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.
Hiện có 3 nhà mạng đủ điều kiện xin phép tham gia thí điểm ngay là Viettel, VNPT và Mobifone. Trong đó, Mobifone vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hôm qua 9/3.
Đặt kỳ vọng vào Mobile Money, lãnh đạo một nhà mạng cho biết, chỉ cần 20-30% trong tổng số khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ với hạn mức tối đa (10 triệu đồng) thì lượng tiền luân chuyển qua "kênh" Mobile Money có thể lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Đơn cử như với Viettel, đến năm 2021 dự kiến có khoảng 26 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money. Trong đó riêng dịch vụ thanh toán (với các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) với mức chi tiêu trung bình qua kênh này là 300.000 đồng/thuê bao/tháng. Như vậy, mức chi tiêu trung bình dịch vụ Mobile Money (chỉ riêng dịch vụ thanh toán) của Viettel vào năm 2025 sẽ rơi vào khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng/tháng.
Nếu Mobile Money được triển khai sẽ góp phần đưa dịch vụ thanh toán điện tử sớm đến toàn bộ người dân, góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến hiện nay.
Được cho là loại giao dịch tiện lợi. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng đã chỉ ra không ít những rủi ro "chực chờ" từ Mobile Money.
Cũng giống như tài khoản ngân hàng, Mobile Money cũng đứng trước rủi ro về tính bảo mật thông tin khách hàng. Theo đó, dữ liệu của khách hàng có thể bị xâm phạm, dùng cho mục đích riêng hoặc gian lận, tiền của khách hàng có thể bị mất nếu không có phương án quản lý phù hợp...
Ngoài ra, theo quy định các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money được sử dụng để nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, nạp tiền vào tài khoản Mobile Money từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoạt ví điện tử của khách hàng. Đồng thời, cho phép rút tiền mặt từ tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, rút tiền từ tài khoản Mobile Money về tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Thanh toán khi giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile Money.
Bên cạnh đó, cho phép các giao dịch chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng trong cùng hệ thống của doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng với tài khoản thanh toán ngân hàng hoặc ví điện tử do doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung cấp.
TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, dù tiền hạn mức giao dịch chỉ tối đa 10 triệu đồng/tháng nhưng với những quy định kể trên không loại trừ khả năng Mobile Money trở thành "công cụ" để một số đối tượng thực hiện rửa tiền chẳng hạn như: từ ma túy, mại dâm hoặc trốn thuế, đánh bạc,... Hơn nữa, bài học cách đây mấy năm cũng đã cho thấy, nhiều người có thể lợi dụng kẽ hở để đánh bạc bằng thẻ cào điện thoại. Mobile Money cũng tương tự như vậy nếu không có sự quản lý chặt chẽ.
Một lo lắng mang tính hệ thống khác, theo ông Hiếu đó là khả năng "tạo ra tiền" của các doanh nghiệp được thí điểm Mobile Money. "Ví dụ như tôi có số tài khoản Mobile Money của Viettel, bình thường để sử dụng tôi phải đóng tiền vào tài khoản Mobile Money này. Nhưng vẫn có khả năng nhà mạng sẽ "ghi có" cho khách hàng 1 tài khoản 10 triệu, 50 triệu hay 100 triệu cho dù khách hàng không hề nộp tiền vào tài khoản. Hiện tại chỉ có ngân hàng thương mại và các Ngân hàng Nhà nước mới có chức năng này. Nếu họ làm như vậy sẽ tác động tới chính sách tiền tệ. Chúng ta liệu có kiểm soát được vấn đề này hay không?", ông Hiếu đặt câu hỏi
Một vấn đề nữa đó là, rủi ro từ việc doanh nghiệp viễn thông sẽ sử dụng dòng tiền sai mục đích. Bởi hiện nay chưa có chế tài nào ngăn chặn các doanh nghiệp sủ dụng nguồn tiền của khách hàng để đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro.