Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp NSW - ông Adam Marshall cho biết, chính quyền bang đang tạo cơ hội cho các khu vực công nghiệp quan trọng của bang có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ khoa học, ứng dụng công nghệ biến đổi gen trong lĩnh vực nông nghiệp – với triển vọng sẽ mang về lợi nhuận lên tới hàng tỷ đô la cho toàn bang.
Ông Marshall chia sẻ: "Những lợi ích tiềm năng về nông học và sức khoẻ con người mà cây trồng biến đổi gen trong tương lai sẽ đem lại rất đáng kể, từ khả năng chống chịu hạn hán và sâu bệnh tới việc giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng trong đất một cách hiệu quả hơn; làm tăng năng suất và kiểm soát cỏ dại tốt hơn".
"Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ biến đổi gen dự báo sẽ mang lại lợi nhuận lên tới 4,8 tỷ đô la cho các ngành công nghiệp chính của bang NSW trong 10 năm tới.
Công nghệ biến đổi gen cũng sẽ hỗ trợ nông dân tiết kiệm tới 35% tổng chi phí canh tác và thúc đẩy sản lượng lên tới gần 10%. Những giá trị gia tăng này sẽ đóng góp quan trọng trong mục tiêu mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp đạt 19 tỷ đô la vào năm 2023.
Đây đồng thời cũng là một tin vui cho người tiêu dùng, bởi vì với việc dỡ bỏ lệnh cấm, chúng tôi đang khuyến khích các công ty tiếp tục đầu tư vào công nghệ biển đổi gen nhằm loại bỏ các chất gây dị ứng như gluten trong thực phẩm, cải thiện hương vị và mang tới nguồn dinh dưỡng tốt hơn." – ông Marshall cho biết thêm.
Lệnh cấm biến đổi gen (theo đạo luật GM Crop Moratorium) ban hành năm 2003 nhằm quản lý các vấn đề thương mại và tiếp thị liên quan đến một lĩnh vực nông nghiệp mới nổi cách đây gần hai thập kỷ.
Chính quyền bang NSW đã theo dõi rất sát sao các vấn đề có liên quan trong suốt hơn 10 năm qua để đảm bảo rằng cây trồng sử dụng biến đổi gen làm thực phẩm có thể kiểm soát một cách hiệu quả, bao gồm cả việc thương mại lẫn tiếp thị.
Bang NSW đã cho phép canh tác thương mại bông BĐG (không được tính là cây thực phẩm) từ năm 1996; cải dầu từ năm 2008 và gần đây là hoa rum vào năm 2018.
Theo đó, với việc thi hành đạo luật trên, các cây biến đổi gen cần phải xin miễn trừ khỏi lệnh cấm trước khi được cấp phép thương mại.
Với việc dỡ bỏ đạo luật này, tất cả các cây trồng biến đổi gen sau khi được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Công nghệ Gen của Úc (Office of Gene Technology Regulator – OGTR) sẽ đủ điều kiện canh tác thương mại rộng rãi trên thị trường.
Các ngành công nghiệp và nông dân hoàn toàn ủng hộ quyết định này.
Ông Matthew Cossey, Giám đốc điều hành của CropLife Australia cho biết: "Bang NSW đã luôn là một bang đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Việc dỡ bỏ lệnh cấm là bước tiếp theo nhằm đảm bảo rằng NSW vẫn giữ vai trò đứng đầu trong công cuộc đổi mới ngành nông nghiệp."
"Việc tạo cơ hội cho nông dân có cơ hội tiếp cận với tất cả các cải tiến nông nghiệp mới đã qua phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý Liên bang cho phép họ chủ động lựa chọn canh tác những gì phù hợp nhất với nhu cầu và mô hình kinh doanh của mình. Điều này vô cùng quan trọng khi họ luôn thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và các điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu." – ông Matthew chia sẻ thêm.
Các dữ liệu rõ ràng và xuyên suốt trong nhiều năm qua đã cho thấy cây trồng BĐG là an toàn với sức khoẻ con người tương tự như cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai tạo truyền thống; đồng thời mang lại giá trị gia tăng về môi trường và sản lượng.
Ông Osman Mewett, Giám đốc Điều hành của Liên đoàn Giống cây trồng Úc cho biết: "Việc chính phủ xóa bỏ lệnh cấm là một tín hiệu rõ ràng cho các đơn vị phát triển công nghệ và các công ty giống cây trồng thấy rằng NSW đang mở cửa tạo điều kiện cho việc kinh doanh của họ và khuyến khích họ tiếp tục đầu tư nhằm mang lại những đổi mới sáng tạo cho ngành nông nghiệp của bang".
Chủ tịch Hội Nông dân NSW – ông James Jackson cho biết, nông dân muốn trồng cây biến đổi gen cần phải có quyền được lựa chọn một các xác đáng đâu là loại hạt giống họ nên gieo trồng dựa trên điều kiện trang trại và nhu cầu kinh doanh của họ.