Dân Việt

BIDV muốn đổi tên thành VNB?

Huyền Anh 12/03/2021 15:26 GMT+7
Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) đã thông qua tờ trình chuyển đổi Chi nhánh Yangon thành ngân hàng con tại Myanmar. Bên cạnh đó, BIDV cũng thông qua đổi tên viết tắt "BIDV" thành "VNB".

"Biến" chi nhánh ngoại thành ngân hàng con

BIDV cho biết việc chuyển đổi phù hợp với chiến lược tổng thể của BIDV trong hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính khu vực. Vốn điều lệ ngân hàng con sẽ là 100 triệu USD, tăng 15 triệu USD. Dự kiến ngân hàng con sẽ đem về lợi nhuận trước thuế hàng năm trung bình 1,5 triệu USD/năm.

Được biết, đến cuối năm 2020, chi nhánh BIDV Yangon có tổng tài sản là 120 triệu USD, vốn điều lệ 85 triệu USD, huy động vốn đạt 34 triệu USD, dư nợ cho vay đạt 23 triệu USD. Chi nhánh này bắt đầu có lãi từ năm 2018, sớm hơn 1 năm so với Đề án thành lập, lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 1,62 triệu USD.

Nhạy cảm chính trị, vì sao BIDV vẫn muốn thành lập ngân hàng con tại Myanmar? - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông BIDV ngày 12/3

Giải đáp về lo ngại của cổ đông về việc lập ngân hàng con tại Myanmar bất chấp thời điểm nhạy cảm chính trị hiện tại, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú nhấn mạnh Myanmar là thị trường cực kỳ tiềm năng, BIDV đã có mặt ở đây hơn 10 năm và đã có lãi.

"Chúng tôi chớp thời cơ Chính phủ Myanmar cho phép chuyển đổi chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành ngân hàng con. Trước đây, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Myanmar chỉ được tiếp cận khách hàng FDI, không được nhận tiền gửi bằng đồng bản tệ, mạng lưới chỉ có một... nhưng ngân hàng con thì mở ra một thị trường rất lớn", ông Tú nhấn mạnh cho tiết lộ thêm, Myanmar, Lào và Campuchia là địa bàn chiến lược của BIDV trong tương lai.

Đổi tên từ BIDV thành "VNB"

Ngoài ra, ĐHĐCĐ của BIDV còn thông qua kế hoạch đổi tên tiếng Anh và đổi tên viết tắt của ngân hàng này.

Cụ thể, tên tiếng Anh sẽ đổi từ "Joint stock Commercial Bank for Investment and Development of Viet Nam" sang "Vietnam Commercial Bank for Investment and Development JSC.". Đồng thời, tên viết tắt của ngân hàng sẽ được thay đổi từ "BIDV" thành "VNB".

Nhạy cảm chính trị, vì sao BIDV vẫn muốn thành lập ngân hàng con tại Myanmar? - Ảnh 2.

BIDV lên kế hoạch đổi tên tiếng Anh và tên viết tắt

Chia sẻ về vấn đề này, người đứng đầu BIDV cho biết thêm, năm nay ngân hàng vẫn giữ nguyên tên giao dịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, mà chỉ thay tên tiếng Anh cho phù hợp hơn. Còn việc thay đổi mã chứng khoán, nhận diện thương hiệu… vẫn đang xây dựng kế hoạch và từng bước làm việc với cơ quan thẩm quyền.

"Đây là kế hoạch dài hơi, ngân hàng mới đặt vấn đề còn lại có chương trình tổng thể ngân hàng đang làm việc với cơ quan chức năng và các đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, việc đổi tên vẫn phải đảm bảo phục vụ tốt nhất cho cổ đông, khách hàng và đảm bảo sự phát triển của BIDV. Phù hợp với quy định pháp luật", ông Tú nhấn mạnh.

ĐHĐCĐ BIDV thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2020 lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Về mục tiêu lợi nhuận, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với mức thực hiện của năm 2020.