Theo Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có đàn trâu, bò gần 57.000 con. Từ cuối tháng 2 trở lại đây, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương. Với sự lây lan nhanh của dịch bệnh này, đến nay, 8/8 huyện, thành phố của tỉnh đều ghi nhận có ổ dịch.
Theo ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh ngày 27/2 tại một hộ chăn nuôi của thôn Nguyệt Giám, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương.
Sau khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng NNPTNT huyện Kiến Xương đã nhanh chóng xác minh tình hình dịch bệnh, kiểm tra lâm sàng và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Khi mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với vi rút gây bệnh viêm da nổi cục, huyện Kiến Xương đã khẩn trương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn.
"Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh, Chi cục đã phối hợp với các địa phương trong địa bàn tỉnh Thái Bình tích cực triển khai khẩn cấp các biện pháp khoanh vùng dập dịch, phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn lây lan nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất", ông Lý nói.
Gần đây nhất, ngày 10/3, tại huyện Vũ Thư cũng xác định có bò nhiễm dịch bệnh viêm da nổi cục tại 1 hộ chăn nuôi tại xã Minh Quang và 2 hộ chăn nuôi tại xã Tự Tân.
Trước đó, các hộ chăn nuôi này phát hiện bò có triệu chứng mắc bệnh bất thường, nổi các nốt sần trên vùng cổ, lưng, bụng… Sau khi nhận được thông tin, Trạm Chăn nuôi Thú y huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi Thú y tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm của ba con bò nghi bị bệnh để xét nghiệm tại cơ quan chuyên môn. Kết quả xét nghiệm cho thấy 100% mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh viêm da nổi cục.
Tại huyện Tiền Hải, bệnh viêm da nổi cục cũng đã xuất hiện từ ngày 1/3 tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Bắc Hải.
Anh Mai Duy Thanh, thôn An Nhân Hưng, xã Bắc Hải là 1 trong 2 hộ có bò mắc bệnh viêm da nổi cục cho biết, gia đình có 1 con bò có hiện tượng sưng hạch trước vai, các nốt sần hình tròn, chắc, nhô cao trên vùng cổ, lưng, bụng.
Sau khi được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục, gia đình đã cách ly, chăm sóc bò bị bệnh, bổ sung vitamin, chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe cho vật nuôi. Hiện nay con bò đã khỏi bệnh, gia đình tiếp tục vệ sinh khuôn viên chuồng trại, phun thuốc khử trùng để bảo đảm bệnh không lây lan.
Ông Đỗ Văn Trịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, ngày 1/3 khi được thông báo tại xã Bắc Hải có ổ dịch viêm da nổi cục, huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra tại địa phương và hộ dân có bò mắc bệnh. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã Bắc Hải triển khai thông báo tình hình và nghiêm túc thực hiện một số biện pháp chủ yếu nhằm kiểm soát, bao vây, dập dịch.
Để kịp thời dập dịch, huyện Tiền Hải đã cấp thuốc sát trùng cho các địa phương thực hiện tiêu độc, khử trùng tại vùng chăn nuôi, trang trại, gia trại. Đến nay, bệnh VDNC đã được khống chế và không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.
Ngay sau khi bệnh VDNC xuất hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngày 4/3, chỉ đạo tại cuộc họp triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC ở trâu, bò, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, ngành Nông nghiệp và các địa phương phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Văn Hoàn yêu cầu, ngành Nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh; thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh VDNC cho trâu, bò; tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển trâu, bò; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết và phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
"Đối với các địa phương đã có dịch phải khoanh vùng dập dịch, cách ly toàn bộ trâu, bò đã bị bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, không nuôi nhốt chung để tránh lây lan; trước hết thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại những khu vực đã có dịch; tổ chức rà soát, thống kê tất cả các hộ chăn nuôi trâu, bò tại địa phương, tổ chức cho người dân ký cam kết không bán chạy, giết mổ, vứt xác gia súc ra môi trường", ông Hoàn nhấn mạnh.
Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Công văn số 708/UBND-NNTNMT ngày 2/3/2021 về việc tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh VDNC trên đàn trâu, bò; các cơ quan chuyên môn, địa phương đã kiểm tra, chỉ đạo, giám sát dịch bệnh, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương đã sử dụng 36 lít hóa chất và 1.050kg vôi bột để tiêu độc, khử trùng, xử lý ổ dịch.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cho biết, VDNC là bệnh do virus gây ra, đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh là trâu, bò mắc bệnh có biểu hiện sốt cao, hình thành các nốt sần hình tròn, chắc và nhô cao có đường kính từ 2 - 5cm trên da, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng; để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh VDNC trên đàn trâu, bò, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình khuyến cáo người chăn nuôi cần áp dụng đầy đủ, đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học:
- Chỉ chọn mua con giống ở những cơ sở được cấp phép, an toàn dịch bệnh, có uy tín, con giống khỏe mạnh và có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và sản phẩm trâu, bò không rõ nguồn gốc, trâu, bò ốm hoặc nghi mắc bệnh.
- Trâu, bò mua về phải nuôi cách ly trong thời gian 2 - 3 tuần để theo dõi, xử lý khi trâu, bò có biểu hiện bất thường và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
- Kiểm soát tốt mọi thứ ra - vào khu vực chăn nuôi bao gồm con giống, người chăn nuôi, khách tham quan, thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, sản phẩm và chất thải chăn nuôi, động vật khác...
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, thu gom phân rác, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, phun thuốc khử trùng từ 1 - 2 lần/tuần. Đồng thời, phun thuốc tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng... thường xuyên.
- Cho trâu, bò ăn thức ăn, nước uống sạch đầy đủ và phù hợp theo lứa tuổi.
- Bổ sung khoáng chất, vitamin để chống stress cho trâu, bò khi thời tiết thay đổi đột ngột, sau khi vận chuyển hoặc khi tiêm vắc-xin.
- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn trâu, bò. Khi có trâu, bò ốm nghi mắc bệnh viêm da nổi cục thì báo ngay cho cán bộ thú y và làm theo hướng dẫn. Tuyệt đối không bán chạy.