Chuỗi đồ uống Phúc Long vừa chính thức ra mắt cửa hàng e-Office kết hợp giữa cung cấp không gian làm việc, phòng họp cá nhân với dịch vụ trà, cà phê tại TP.HCM. Mô hình này tương tự không gian làm việc chung (Co-working space) đang phổ biến gần đây tại TP.HCM.
Trên thị trường cà phê, Phúc Long được xem là một trong những đối thủ đáng gờm của Starbucks, Highlands Coffee, Trung Nguyên, The Coffee House… "Ông kẹ" Phúc Long đang kinh doanh ra sao?
Phúc Long là thương hiệu trà, cà phê có mặt trên thị trường từ năm 1968 tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Năm 2000, thương hiệu này mới gia nhập thị trường F&B và mãi đến năm 2012 mới mở cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea đầu tiên tại trung tâm thương mại Crescent Mall (quận 7, TP.HCM).
3 năm sau, Phúc Long phát triển lên 10 cửa hàng tại các vị trí đắc địa ở TP.HCM. Tính đến hết năm 2018, thương hiệu này có tổng cộng 42 cửa hàng, chủ yếu tại TP.HCM và Đà Nẵng. Sau khi chắc chân ở thị trường TP.HCM, đầu năm 2019, Phúc Long quyết định "Bắc tiến" với cửa hàng đầu tiên, nằm cùng tòa nhà với Starbucks Việt Nam và Highlands Coffee.
Kể từ khi "gây sốt" với cảnh rồng rắn xếp hàng chờ mua trà sữa, cà phê... tại cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, tốc độ mở rộng chuỗi của Phúc Long khá thần tốc. Tính đến nay, hệ thống này có hơn 70 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Nha Trang…
Bất chấp dịch Covid-19, tại TP.HCM, Phúc Long vẫn mở thêm nhiều điểm kinh doanh mới trong năm ngoái và giai đoạn đầu năm 2021.
Đáng chú ý, các vị trí "ông kẹ" này chọn đều nằm tại các khu vực đắt đỏ, "đất vàng" khu vực trung tâm TP.HCM. Ngoài ra, hầu như hiếm có trung tâm thương mại nào tại TP.HCM đều vắng bóng "ông kẹ" Phúc Long.
Sở hữu toàn vị trí kinh doanh đắc địa nhưng phải thừa nhận, dù bất cứ địa điểm nào, các cửa hàng của Phúc Long cũng đông nghịt khách, nhất là người trẻ và giới nhân viên văn phòng.
Theo kết quả kinh doanh gần nhất, năm 2019, Phúc Long đạt doanh thu thuần 779 tỷ đồng, tăng tới 306 tỷ đồng so với năm 2018, tương đương mức tăng 65%. Với kết quả này, Phúc Long đã rút ngắn khoảng cách chênh lệch doanh thu với các "ông lớn" còn lại như The Coffee House (863 tỷ đồng) và ngang ngửa chuỗi Starbucks Việt Nam (783 tỷ đồng).
2019 được xem là năm hoạt động hiệu quả nhất của chuỗi Phúc Long. Đây cũng là năm đầu tiên Phúc Long có mặt tại thị trường Hà Nội và có tổng cộng 10 cửa hàng ở Hà Nội tính đến thời điểm cuối năm, hầu hết đều được đón nhận tích cực. Tuy nhiên, có phải các cửa hàng tại Hà Nội làm động lực tăng trưởng doanh thu của Phúc Long hay không thì không được tiết lộ.
Trái ngược với doanh thu thuần khả quan thì lợi nhuận Phúc Long mang về trong năm 2019 lại khá bèo bọt. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn chục tỷ đồng. Với việc mở rộng chuỗi thần tốc trong năm, đây có thể là lý do khiến lợi nhuận của Phúc Long năm 2019 không cao.
Trong "cuộc chiến" chuỗi cà phê, việc liên tục mở rộng cửa hàng hầu hết nằm trong chiến lược phát triển của các thương hiệu. Ngoài độ phủ, vị trí đắt đỏ, các thương hiệu cũng đẩy mạnh cho các chiến lược marketing tốn kém, đổ tiền khuyến mãi để có được khách hàng. Do đó, không lạ khi lợi nhuận của Phúc Long khá bèo bọt, thậm chí có chuỗi còn lỗ vốn.
Kết quả kinh doanh không ngọt như vị trà sữa nhưng Phúc Long vẫn là một "ông kẹ" đáng gờm trong ngành F&B. Trong khi nhiều chuỗi còn loay hoay sau dịch Covid-19, Phúc Long đã mắt mô hình không gian làm việc chung.
"Không dừng lại tại đó, chúng tôi tiếp tục định hướng phát triển mở rộng hệ thống cửa hàng trải dài từ Nam ra Bắc; tăng độ phủ của sản phẩm đến tất cả các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi…", đại diện Phúc Long cho biết.