Đầu năm 2020 UBND thành phố Hà Tĩnh đã phối hợp với gia đình ông Trần Nhật Duật, thôn Liên Công, xã Đồng Mông (tỉnh Hà Tĩnh), mạnh dạn đầu tư xây dựng, thực hiện mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc trên diện tích 1ha với 20.000 con giống.
Ông Duật cho biết, giống trai được nhập từmột đơn vị ở Nghệ An, tổng chi phí sản xuất mô hình nuôi trai là 1,7 tỷ đồng. Sau khi thả giống khoảng 24 tháng, sẽ thu hoạch được lứa đầu tiên.
Clip: Mua hình nuôi trai lấy ngọc ở Hà Tĩnh.
Ông Trần Nhật Duật cho hay: "Giống trai được thử nghiệm trong vòng 4 tháng đảm bảo chất lượng, mỗi con được cấy từ 3-4 nhân ngọc trai. Theo đánh giá bước đầu của cơ quan chuyên môn, đến nay trai sinh trưởng tốt với tỷ lệ sống là 70%".
Theo ông Duật, quá trình lựa chọn trai khỏe để cấy ngọc rất quan trọng, nếu trai không đủ khỏe, hoặc không có độ sinh trưởng tốt thì việc cấy ghép ngọc không những mất công, mất sức, mất thời gian mà còn lãng phí.
Đây là những điều cơ bản cần phải biết để nuôi ngọc trai, bởi sau khi cấy ghép xong, phải đặt con trai đúng vị trí, không thì ngọc cấy vào sẽ bị rơi ra ngoài, hoặc bị con trai trực tiếp đào thải ra.
"Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, vỏ trai còn được tận dụng bán cho các cơ sở làm các đồ thủ công mỹ nghệ, thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Nuôi trai lấy ngọc cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và có thể nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác như cá trắm, chép, ốc" - ông Duật chia sẻ thêm.
Theo tính toán, đầu tư chi phí một con trai để nuôi, cấy ghép không phải là lớn nhưng lợi nhuận thu về khá cao. Ông ước tính, chi phí mua, cấy ghép một con trai hết khoảng 35 nghìn đồng.
Giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình có giá từ 400.000-800.000 nghìn đồng. Nếu ngọc trai loại đẹp có thể dao động từ 2-4 triệu đồng. Ông Duật cho biết, thị trường xuất khẩu của mặt hàng này tiềm năng nên ông luôn có động lực để đầu tư vào ao nuôi.
Không chỉ cho thấy tiềm năng kinh tế vượt trội, ưu điểm của mô hình nuôi trai lấy ngọc này còn được thể hiện ở chỗ, trai được nuôi trên các giàn phao lưới, nên tận dụng được diện tích mặt trên của nước, còn lại diện tích ao nuôi vẫn được sử dụng để nuôi cá bình thường.
"Nuôi trai nước ngọt, thứ nhất phải là nước đá vôi, vì nó tạo ra chất xà cừ để phủ lên viên ngọc. Thứ hai, nguồn nước ở Đồng Môn không bị ô nhiễm, không bị phèn nên ngọc trai có độ sáng và bóng rất cao. Cùng với đó, nước đá vôi tạo ra chất xà cừ nên viên ngọc rất dày. Các yếu tố đấy đã đủ giúp tạo nên viên ngọc rất là đẹp" – ông Duật bật mí.
Ngoài ra, nuôi trai kết hợp với nuôi cá còn giúp cho hộ nuôi không phải tiêu tốn thức ăn cho con trai, vì đã có nguồn thức ăn sẵn có từ phân cá thải ra. Do đó, quá trình nuôi trai không phải mất bất kỳ chi phí nào để mua thức ăn.
Tuy nhiên, ông Duật phải luôn theo dõi thời tiết để kịp thời xử lý khi có sự cố. Trai nuôi từ 2 năm trở lên có thể thu hoạch lấy ngọc, để càng để lâu ngọc càng lớn, đẹp và sáng bóng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Đồng Môn, cho biết: "Mô hình nuôi ngọc trai lấy ngọc của ông Trần Nhật Duật là mô hình kinh tế mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi, cấy trai nước ngọt lấy ngọc của ông Duật đã được Trung tâm Chuyển giao và hướng dẫn khoa học kỹ thuật khảo sát và đánh giá cao. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã quan tâm, có chính sách hỗ trợ gia đình ông Duật xây dựng và phát triển mô hình".