Hướng đi mới vực dậy kinh tế vườn
Đón khách đến thăm vườn nhà, ông Vừ Sấu Pó ở thôn Thèn Ván, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn tỏ ra rất phấn khởi. Vườn nhà ông có diện tích gần 2.000m2 thì hơn 60% là đá nên quanh năm vợ chồng ông Pó chỉ trồng ít rau cải và ngô tạp làm mèn mén ăn chống đói quá ngày, có nhiều tháng thời tiết khắc nhiệt, vườn để đất hoang cho cỏ mọc.
Mới đây được cán bộ địa phương đến nhà vận động và hỗ trợ cải tạo vườn tạp, ông Pó còn nghi ngờ, lúng túng, nhưng đến lúc được mọi người cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn vợ chồng Pó mới nhiệt tình tham gia.
"Lần đầu làm vườn tôi cũng thấy mới lạ nhưng nhờ có các cán bộ nhiệt tình giúp đỡ, đến giờ vườn đá của tôi trồng được nhiều cây ăn quả, rau xanh tươi tốt... chỉ chờ ngày bội hoạch, chúng tôi vui lắm!", ông Pó nói.
Từ một khu vườn lổm chổm đá, cây bụi, cỏ dại sau khi được cải tạo, vườn nhà ông Pó như "thay da, đổi thịt". Cả mảnh vườn được chia làm nhiều khu như vườn xếp đá trồng mận tam hoa; vườn trồng lê Đài Loan; rau chuyên canh, vườn thuốc nam...
Theo kế hoạch, các khu vườn của gia đình ông Pó sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay khoảng trên dưới 20 triệu đồng và sang năm thứ 3 sẽ tăng thu nhập lên 60 triệu đồng.
Chia sẻ với đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Hoàng Văn Thịnh - Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho hay: Năm 2021, toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tỉnh Hà Giang cụ thể hóa Nghị quyết số 05 của BCH Tỉnh ủy về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 bằng các kế hoạch, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Theo ông Thịnh, phần lớn tỷ lệ dân số trong tỉnh có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại kinh tế vườn hộ tại các vùng trong tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, chưa tạo ra thu nhập cho phần lớn người dân, bộ mặt nông thôn chưa thực sự khởi sắc.
Ở nhiều vùng trong tỉnh và huyện Đồng Văn, việc quy hoạch vườn chưa được bài bản, quy củ, các hộ gia đình nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất, chưa đầu tư cải tạo vườn hộ, vẫn còn trồng nhiều loại cây tạp, chưa mang lại hiệu quả kinh tế; số hộ có thu nhập kinh tế cao từ vườn hộ còn ít.
Ông Thịnh khẳng định: Để thực hiệu quả mô hình "Cải tạo vườn tạp", ngay từ đầu huyện Đồng Văn coi công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Khi làm chúng tôi cũng xác định việc này là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; không phô trương, hình thức; cần dễ làm trước, khó làm sau để đảm bảo tính bền vững, lâu dài.
Chính vì thế mà trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sâu sát việc triển khai tại cơ sở với phương châm đến từng nhà, vào từng vườn để cùng làm với bà con nhân dân. "Nhờ thế mà mọi việc đều thuận lợi, người dân các xã trên địa bàn rất phấn khởi, vui vẻ làm theo", Bí thư Huyện ủy Đồng Văn nhấn mạnh.
Ông Hoàng Minh Đức - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Văn cũng phải thừa nhận, diện tích đất trồng cây tại các xã của huyện Đồng Văn rất ít, chủ yếu là đá hiểm trở, thiếu nước vào mùa khô, gây ra những khó khăn rất lớn trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nhất là trồng trọt.
Nhận thấy rõ những khó khăn đó, đầu năm 2021, ngay sau khi tỉnh triển khai Lễ ra quân phát động cải tạo vườn tạp, cấp ủy, chính quyền từ huyện, xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện vào cuộc, phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để thực hiện.
Cần nhân rộng mô hình
Ông Đức cho biết thêm, với quan điểm “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh đất vườn của mình, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, chương trình cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Đồng Văn bước đầu được triển khai một cách đồng bộ.
Công tác quy hoạch, sắp xếp bố trí lại cấu trúc không gian vườn hộ được triển khai một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo phù hợp với quy mô thực tiễn từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, tạo sự liên kết giữa nhà ở - khu vực chăn nuôi - vườn hộ gắn với du lịch.
Đồng thời, phòng chuyên môn của huyện chủ động tìm kiếm, cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của vùng, đưa các cây, con giống có năng suất chất lượng thế mạnh của vùng vào sản xuất, tạo sự đa dạng các sản phẩm đặc thù của địa phương, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Cụ thể, tiến hành cải tạo các vườn lê, trồng các loại dược liệu, trồng rau chuyên canh theo hướng VietGAP… Theo kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025 huyện thực hiện trên 250 hộ/19 xã, thị trấn cải tạo vườn tạp.
"Huyện đặt mục tiêu hết năm 2021 các xã trên địa bàn thực hiện được 50 mô hình nhưng đến giờ các địa phương đã làm tốt và vượt chỉ tiêu đạt 60 hộ", ông Đức tiết lộ.
Nhận xét về mô hình "Cải tạo vườn tạp" tại các xã của huyện Đồng Văn, đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng: "Cách làm mới lạ của Hà Giang đang phát huy hiệu quả giúp thay đổi kinh tế vườn hộ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Mong rằng, người dân trên địa bàn đồng lòng, vượt khó để tạo kỳ tích, đột phá giúp thu nhập, cuộc sống của bà con nâng cao dần lên".
Để mô hình mới này đạt hiệu quả bền vững hơn, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lưu ý các cấp chính quyền của Hà Giang cần xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị vừa giúp bà con sản xuất, chăn nuôi tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao vừa nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam gợi ý tỉnh Hà Giang cần kêu gọi và có nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông và đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc hữu của địa phương nhằm đưa sản phẩm bay xa, bay cao hơn.
Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu
Ông Hoàng Minh Đức - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Văn cho hay:Trong quá trình thực hiện "Cải tạo vườn tạp", địa phương xác định công tác tuyên truyền sẽ đi trước một bước và cán bộ, đảng viên ở các vùng nông thôn Đồng Văn phải gương mẫu đi đầu.
Theo đó, các cán bộ phải tham gia trực tiếp vào mô hình về phát triển kinh tế của hộ gia đình mình; cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị sẽ tham gia chung tay vào giúp đỡ các hộ bằng những việc làm thiết thực từ ngày công lao động đến hỗ trợ giống, vật tư, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…