Theo đó, về đối tượng kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp được xác định gồm: quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao đẳng trở lên đang đảm nhiệm các chức danh: Kỹ thuật viên, nhân viên kỹ thuật, huấn luyện viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên làm việc đúng chuyên ngành đào tạo ở các cơ sở nghiên cứu, nhà trường, bệnh viện, trung tâm thể dục thể thao, đoàn nghệ thuật, nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng; đơn vị đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang làm việc thuộc các chuyên ngành hẹp được đào tạo công phu hoặc chuyên ngành quân đội chưa đào tạo được; thợ bậc cao; đang đảm nhiệm chức vụ chỉ huy, quản lý ở các nhà máy, doanh nghiệp quốc phòng. Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
Quân nhân chuyên nghiệp thuộc các đối tượng nêu trên được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ khi có đủ các điều kiện sau: Đơn vị có biên chế và nhu cầu sử dụng; hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; chưa có người thay thế; tự nguyện tiếp tục phục vụ tại ngũ; có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi; tay nghề cao; chất lượng, hiệu quả công tác tốt.
Về thời hạn kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm so với hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo cấp bậc quân hàm nhưng không quá tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh tăng theo lộ trình của Bộ luật Lao động.
Thông tư số 12/2021/TT-BQP còn quy định rõ về thẩm quyền nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, phong, thăng cấp bậc quân hàm; hạ bậc lương, loại, nhóm, hạng, giáng cấp bậc quân hàm; kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ và cho thôi phục vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; trình tự, thủ tục nâng lương, nâng loại, chuyển nhóm, thăng hạng, kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ...